Pháp luật
Không có 'vùng cấm' trong phòng, chống tham nhũng
09:32, 20/10/2014 (GMT+7)
Tham nhũng giống như giặc nội xâm, không tiêu diệt được nó, đất nước không phát triển, người dân đóng thuế mà hưởng phúc lợi xã hội chưa tương xứng. Chống tham nhũng là "ý Đảng, lòng dân", là bảo vệ chế độ.
Dù đã có nhiều giải pháp, nhiều quyết tâm và thừa quyết liệt chống tham nhũng, nhưng Chính phủ vẫn thẳng thắn thừa nhận: “Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 329 vụ/751 bị can về tội tham nhũng. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%.
Trong những năm qua, chúng ta đã ban hành, sửa đổi nhiều đạo luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, để thực hiện quyết tâm chống tham nhũng không có vùng cấm. Tuy nhiên, luật ban hành nhiều, nhưng quan trọng vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Đơn cử như việc kê khai và minh bạch tài sản của cán bộ công chức, viên chức. Dư luận đang hoài nghi việc kê khai và minh bạch tài sản đang thực hiện rất hình thức, vì tất cả các bản kê khai tài sản không được xác minh, làm rõ, trừ trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ảnh minh họa |
Khi nền kinh tế vẫn dùng tiền mặt là hình thức thanh toán phổ biến đối với rất nhiều giao dịch thì việc kiểm soát hiện tượng rửa tiền, hối lộ, tham ô.... là vô cùng khó. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn, nhưng thu hồi từ những vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử thì rất thấp.
Nhiều vụ án tham nhũng lớn bị phơi bày, phần nhiều là do người dân và báo chí phát hiện. Điều đó cho thấy, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có công cụ pháp lý hữu hiệu để chống tham nhũng đối với cả những cơ quan, cán bộ có chức năng chống tham nhũng.
Xây dựng cơ chế chính sách, cấp phát ngân sách, “xin - cho” các dự án đầu tư công, bổ nhiệm, đề bạt và luân chuyển cán bộ... là những thứ dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, nhưng để chứng minh bằng chứng cứ pháp lý là rất khó. Lợi ích nhóm là thứ dễ nhìn thấy về mặt hình thức, nhưng khó chống, nhất là khi nó cấu kết với nhau theo kiểu “anh bảo vệ tôi, tôi bảo vệ anh”!
Chống tham nhũng đã nói nhiều, bàn nhiều từ trung ương đến địa phương, nhưng chưa giảm được nhiều như kỳ vọng của nhân dân, là thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị và công cuộc kiết thiết đất nước. Vẫn biết đấu tranh chống tham nhũng cần phải có giải pháp đồng bộ, kiên quyết, kiên trì, nhưng điều quan trọng mà dư luận đang đòi hỏi và chờ đợi là những hành động “nói thật - làm quyết liệt”.
Nguồn: dangcongsan.vn