Pháp luật
Ba năm chưa xét xử xong vụ án lừa đảo
(Congannghean.vn)-Ngày 13/10, lần thứ 3, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử sơ thẩm đối với Trần Thị Hồng Hoa trú tại TP Vinh và Dương Thị An trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, theo đề nghị của Viện KSND tỉnh. Điều đáng nói là, kể từ ngày khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến nay đã hơn 3 năm và đã 3 lần được cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử nhưng đều bị tạm hoãn.
Trong đó 1 lần trả hồ sơ, còn lại chỉ vì lý do: Bà Phan Thị Khoa trú tại TP Vinh - người liên quan, đồng thời là người làm chứng không có mặt. Điều đó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật còn hạn chế, nhất là có 1 trường hợp bị can ở tận Hà Nội. Dư luận đặt ra câu hỏi: Không biết bao giờ vụ án trên sẽ được xét xử và tuyên án?
Theo kết quả điều tra, từ tháng 5/2000, mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động và giới thiệu việc làm nhưng Phan Thị Khoa, Dương Thị An và Trần Thị Hồng Hoa đã tự lấy tên: “Phòng hướng nghiệp và giới thiệu việc làm thanh niên” thuộc Trung tâm thiếu nhi Nguyễn Tất Thành (do Hoa làm Trưởng phòng) để quảng cáo tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Australia… Thậm chí, Khoa còn trực tiếp đến Đài Phát thành - Tuyền hình tỉnh Nghệ An nộp tiền đăng thông tin quảng cáo “tuyển người người đi xuất khẩu lao động”.
Không khí ảm đạm tại khán phòng khi cả phiên tòa ngồi chờ bà Khoa |
Do tin vào quảng cáo, từ năm 1999 - 2000, đã có nhiều người dân ở TP Vinh và các huyện, thành, thị tìm đến Trung tâm này trực tiếp gặp Hoa, Khoa và An để nghe tư vấn, nộp hồ sơ, tiền mặt để được đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, bộ sậu “treo đầu dê, bán thịt chó” trên không đưa được bất kỳ ai đi xuất khẩu lao động mà còn chiếm đoạt luôn số tiền đặt cọc, tiền vay và góp vốn của những người dân nghèo đang khát khao được xuất khẩu lao động kiếm tiền trở về làm ăn, cải thiện đời sống.
Tổng số tiền mà Hoa trực tiếp thu của những người bị hại có đơn tố cáo là 1 tỉ 274 triệu đồng, trong đó có trên 212 triệu Hoa vay của bị hại. Hầu hết các trường hợp đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Để tạo niềm tin, đánh lừa người dân, sau 1 tháng nộp hồ sơ, tiền đặt cọc, Hoa và An đã đưa họ ra Hà Nội khám sức khỏe và học tiếng Hoa tại Trung tâm dạy tiếng nước ngoài ở phường Thanh Xuân Bắc, sau đó đưa họ quay về TP Vinh để vào Sài Gòn bay sang Đài Loan.
Thế nhưng, vào đến TP Hồ Chí Minh, những người lao động được Hoa bố trí đưa về Nhà máy phân bón Sông Gianh nói là để chờ bay. Sau 15 ngày kìm chân, Hoa và An thông qua vị Trưởng Trung tâm Xuất khẩu lao động của Công ty Thương mại, Tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu, đưa ra yêu sách, yêu cầu người lao động phải học tiếp tiếng Hoa tại Trường Dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau 15 ngày học tiếng Hoa (12/7 - 29/7/2000) và cũng được cấp giấy chứng chỉ, họ lại “dài cổ” chờ mà vẫn không được bay. Biết bị lừa, những người lao động quay về TP Vinh đòi Hoa trả lại tiền. Nhưng Hoa chỉ trả cho một số người, còn lại khất lần khất lừa và bỏ trốn. Mãi đến ngày 7/5/2013, Hoa đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đầu thú. Ngoài những trường hợp trên, Hoa và An còn “tranh thủ” nhận tiền của chị Lan và chị Hương trú tại Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, lừa là ”chạy” đi du học ở Úc cho 2 học sinh.
Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã làm rõ mức độ, hành vi phạm tội đối với từng bị can. Riêng Khoa trước ngày 21/6/2000, đã cùng Hoa và An (ở Hà Nội) “tuyển” được 23 người đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và 1 người đi Hàn Quốc, chiếm đoạt số tiền 274,5 triệu đồng. Trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định Khoa liên quan đến việc thu tiền của 5 người nộp tiền đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và 1 người nộp tiền đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, với tổng số tiền là 185,15 triệu đồng.
Do vậy, Khoa phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Điều 139, BLHS. Nhưng, Bản cáo trạng của Viện KSND tỉnh nêu, đề nghị: Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 23, BLHS thì Khoa được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên Viện KSND tỉnh Nghệ An đã hủy bỏ Quyết định khởi tố bị can đối với Khoa về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vì vậy, TAND tỉnh Nghệ An chỉ đưa ra xét xử đối với Trần Thị Hồng Hoa (SN 1960) trú tại xã Hưng Hòa, TP Vinh và và Dương Thị An (SN 1964) trú tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đề nghị của Viện KSND tỉnh Nghệ An. Còn Phan Thị Khoa chỉ là người liên quan, đồng thời là người làm chứng?! Tuy nhiên, qua 2 lần vụ án được đưa ra xét xử, bà Khoa đều vắng mặt buộc phải tạm hoãn phiên tòa.
Lần thứ 3 (ngày 13/10/2014), TAND tỉnh lại tiếp tục đưa vụ án ra xét xử, nhưng bà Khoa tiếp tục vắng mặt. Sau gần 2 giờ đồng hồ HĐXX kiên trì chờ đợi vẫn không thấy bóng dáng người làm chứng đặc biệt này, HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa theo đề nghị của vị đại diện Viện KSND tỉnh và các vị luật sư bào chữa cho bị cáo. Lý do vắng mặt lần này được bà Khoa đưa ra là do bệnh tật ốm đau, trong khi trước đó, người dân vẫn thấy bà Khoa xuất hiện tại một “siêu thị” ăn nhậu nổi tiếng tại TP Vinh.
Thêm một lần nữa, các thân nhân và bị can được tại ngoại lục đục ra về với tâm trạng bức xúc. Một người thân của một bị can lắc đầu than rằng: “Chúng tôi muốn vụ án được đưa ra xét xử càng sớm càng tốt. Càng kéo dài càng mất công mất việc, mất thời gian lao động… Cứ tình trạng này, không biết bao giờ vụ án mới được tuyên án”?
Thanh Bình