Pháp luật
Đảm bảo ANTT ở địa bàn có người Đan Lai sinh sống
(Congannghean.vn)-Thực hiện Quyết định số 280/2006 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án: “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”, những năm qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở, đời sống vật chất, tinh thần của tộc người Đan Lai ngày một thay da đổi thịt. Những thành quả đó có sự góp sức của các chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng đang ngày đêm cắm bản.
Trao đổi với P.V, Trung tá Nguyễn Hữu Tình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Môn Sơn (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết: Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, năm 2009, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 316 để thực hiện Đề án.
Ngay sau đó, Đồn đã đưa 2 tổ công tác vào cắm tại bản Cò Phạt và bản Búng (xã Môn Sơn), đồng thời, giới thiệu 2 đồng chí đảng viên về sinh hoạt tạm thời tại 2 chi bộ này.
Quá trình thực hiện Kế hoạch, Bộ đội Biên phòng luôn chủ động bám sát dân bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và ra sức tuyên truyền cho người dân hiểu biết về các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, coi việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh.
Đại tá Vũ Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác đến thăm nhà Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt |
Đến thời điểm hiện nay, bà con người Đan Lai tại bản Búng và bản Cò Phạt từ một tộc người chỉ độc có việc săn bắt, hái lượm thì nay họ đã biết trồng lúa nước cho năng suất cao hơn lúa rẫy, nuôi nhốt gia súc hiệu quả hơn thả rông, biết cho con cái đi học chữ để mai sau thoát nghèo. Từ tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì đến nay, người Đan Lai đã chủ động phát triển kinh tế, xây dựng làng bản văn hóa…
Nhiều tập tục lạc hậu (ma chay, cưới hỏi, kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống…) được xóa bỏ. Có được những thành quả đó là một sự cố gắng vượt khó nhiều năm của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An ngày đêm cắm bản, tuyên truyền, vận động người dân.
Trong quá trình thực hiện Đề án, Bộ đội Biên phòng cũng đã tuyên truyền, giải thích cho bà con Đan Lai thực hiện tốt Quy chế biên giới trong việc qua lại, thăm thân giữa Việt Nam và Lào một cách nghiêm túc nhất.
Ngoài ra, trong lao động sản xuất, nếu phát hiện được những vấn đề liên quan đến đường biên, cột mốc, có dấu hiệu vi phạm chủ quyền an ninh biên giới, bà con sẽ kịp thời báo tin cho Bộ đội Biên phòng biết để xử lý.
Có thể nói, với bà con tộc người Đan Lai nói riêng và các tộc người thiểu số nói chung, việc tuyên truyền, vận động các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không thể dừng lại ở những bài diễn thuyết, những câu khẩu hiệu mà phải cùng bà con bắt tay vào làm, để bà con thấy được sản phẩm thực thụ, lúc đó họ sẽ tin.
Và đó là cách làm lâu nay của Bộ đội Biên phòng, phải về tận bản làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, sát cánh với đồng bào trong mọi công việc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát hiện có 210 hộ gia đình tộc người Đan Lai với 910 khẩu. Trong đó, bản Cò Phạt có 108 hộ, với 445 khẩu; bản Búng có 102 hộ, với 465 khẩu.
Đến nay, nhìn chung đời sống kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của người Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng đã có nhiều đổi thay, hệ thống cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm đang được đầu tư mới, số lượng trẻ em được đến trường ngày một tăng lên.
Song song với công tác bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai, công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn có người Đan Lai sinh sống cũng luôn được lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An và các cấp, ngành quan tâm, chú trọng.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an viên tại các thôn, bản tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, đồng thời, xuống tận khu dân cư, tạo dựng mối quan hệ mật thiết với những người có uy tín, cấp ủy, chi bộ ở thôn, bản.
Qua đó, quan tâm giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân một cách sớm nhất, tạo dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an nhân dân trong đồng bào Đan Lai.
Đánh giá chung về tình hình ANTT ở địa bàn có tộc người Đan Lai sinh sống trong thời gian qua, Đại tá Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Công an huyện Con Cuông, cho biết: Sau vụ việc xích mích giữa thanh niên bản Thạch Sơn (khu tái định cư) và thanh niên bản Kẻ Da (xã Thạch Ngàn) vào đầu năm 2013, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp, ổn định lại tình hình ANTT.
Từ đó đến nay, qua công tác tuyên truyền với nhiều cách làm hiệu quả, mối quan hệ giữa người Thái và người Đan Lai đã được cải thiện. Nhìn chung, tình hình ANTT trong đồng bào Đan Lai cơ bản ổn định, là địa bàn sạch về ma túy và tệ nạn xã hội.
Hiện tại, Đề án: “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” vẫn đang tiếp tục thực hiện. Thiết nghĩ, việc cần thiết nhất hiện nay là cần phải bố trí nguồn vốn để hoàn thành dứt điểm khu tái định cư ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn. Ngoài ra, theo phản ánh của người dân ở khu tái định cư bản Cửa Rào thì hiện nay họ đang thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Đức Thắng