Theo báo cáo của 60/63 tỉnh, thành phố từ đầu năm 2012 đến nay đã xảy ra 1565 vụ chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ làm phương tiện gây án. Chỉ tính riêng năm 2014 đã xảy ra 405 vụ nổ, trong đó 259 vụ nổ có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã điều tra làm rõ được 162 vụ, bắt 282 đối tượng… Tình trạng sử dụng vũ khí “nóng” làm phương tiện gây án đã trở nên đáng báo động, đòi hỏi phải có giải pháp phòng ngừa của toàn xã hội.
Bài 1: Khi vũ khí “nóng” được sử dụng để giải quyết mâu thuẫn
Khi dư âm cả nước chưa kịp lắng xuống sau sự hy sinh của Đại úy Lường Phát Chiêm (32 tuổi), cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Sơn La trong cuộc chiến gian nguy, đối đầu với tội phạm ma túy thì mới đây vào ngày 25/7, Thiếu tá Nguyễn Vinh Cảnh, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh lại bị thương khi đang thi hành nhiệm vụ. Rất may là vết thương chỉ ở phần mềm nên sức khỏe của Thiếu tá Cảnh giờ đã được ổn định… Cùng với việc sử dụng vũ khí nóng thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ, nhiều đối tượng còn dùng để cướp tài sản, giải quyết mâu thuẫn cá nhân…
Nỗi đau từ những vụ trọng án
Vụ việc xảy ra vào lúc 9h30 ngày 25/7, nhận được tin báo về việc anh Nguyễn Đức Thiện (30 tuổi, trú tại thôn Thành Long, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị một đối tượng lạ mặt dọa giết và tống tiền 80 triệu đồng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân đã có mặt tại địa bàn, truy bắt đối tượng. Phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ, đối tượng gây án bỏ chạy sau đó lao vào một nhà thờ để cố thủ.Tên này bất ngờ nổ súng chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt. Một trong số các viên đạn được bắn ra đã trúng vào người đồng chí Cảnh, làm đồng chí này bị thương.
Công an huyện Kinh Môn (Hải Dương) niêm phong tang vật vụ Bùi Văn Hải (26 tuổi, trú tại thôn Thượng Trà, xã Tân Dân, huyện Kinh Môn) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và sản xuất, chế tạo súng trái phép |
Tang vật lực lượng Công an thu giữ được gồm có một khẩu súng AK cùng 2 viên đạn, 2 điện thoại di động, 3 chứng minh nhân dân mang ba tên khác nhau cùng 80 triệu đồng đối tượng vừa cưỡng đoạt của anh Thiện. Đối tượng gây án là Phan Xuân Thanh (32 tuổi, hiện đang trú tại khối 3, phường Cửa Nam, TP Vinh)… Không chỉ sử dụng súng vào các vụ chống người thi hành công vụ, nhiều đối tượng còn sử dụng để giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày.
Ngày 11/7, Công an huyện Kim Thành (Hải Dương) bắt giữ hai đối tượng Nguyễn Văn Hiệu (24 tuổi, ở thôn Thắng Yên, xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành) và Đoàn Văn Quý (26 tuổi, ở cùng thôn với Hiệu) về hành vi tàng trữ, sử dụng súng trái phép. Chiều 10/7, do có mâu thuẫn với anh Trần Văn Tài (22 tuổi, trú tại xã Phú Điền, huyện Nam Sách), Hiệu đã hẹn gặp anh Tài ở một quán nước nằm trên địa bàn huyện Kim Thành. Khi gặp anh Tài, Hiệu đã sử dụng khẩu súng colt xoay mượn của Quý gí vào đầu anh Tài đe dọa rồi bỏ đi.
Súng, lựu đạn còn sử dụng để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân, thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm, sử dụng gây áp lực trong các vụ xiết nợ hoặc đòi nợ thuê… gây rối trật tự công cộng. Khoảng 7h30 ngày 30/6, qua công tác trinh sát, tổ công tác thuộc Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Kinh Môn (Hải Dương) bắt quả tang Lương Nguyễn Đăng Linh (37 tuổi, thường trú tại khu 3, Bích Nhôi, Minh Tân, Kinh Môn), tàng trữ trái phép một khẩu súng quân dụng cùng với 10 viên đạn trong cốp xe máy BKS 34D1 – 137.63. Đây là đối tượng nằm trong ổ nhóm bảo kê đòi nợ thuê trên địa bàn huyện Kinh Môn và các địa bàn giáp ranh mà lực lượng Công an đang tập trung đấu tranh.
Các ổ nhóm này lôi kéo, sử dụng số thanh niên hư hỏng, thường bỏ nhà đi lang thang, tụ tập thành băng ổ nhóm để bảo vệ địa bàn và sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết tranh chấp, tranh giành địa bàn. Vụ việc do Công an huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An khởi tố vào đầu năm 2014 là một trong những trường hợp như vậy. Đối tượng chủ mưu trong vụ án là Hồ Văn Sơn (50 tuổi, trú khối 6, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, Nghệ An), đã bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích và tàng trữ vũ khí trái phép.
Trong số các vụ án đã khởi tố điều tra trong cả nước trong thời gian qua thì đối tượng phần nhiều sử dụng súng quân dụng, các loại súng tự chế như súng bút, súng kíp, súng bắn đạn ghém và bắn đạn hoa cải… các loại vật liệu nổ tự chế. Đối với các vụ án sử dụng vật liệu nổ gây án thì thường được chế tạo dưới hai dạng, kích nổ trực tiếp bằng kíp nổ qua dây cháy chậm, gần đây một số vụ đối tượng cài đặt chất nổ vào đài casstte gây thương tích cho người bị hại.
Đường đi của các loại vũ khí “nóng”
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nguồn gốc của các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện nay một phần do các đối tượng tự chế. Các sản phẩm này gồm có các loại súng ngắn, súng colt, súng bút có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng…
Ngày 21/2, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển và chế tạo vũ khí quân dụng do Lý Mạnh Lực (trú tại xã Lam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) và Nguyễn Thái Việt (ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cầm đầu. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện Việt có một xưởng sửa chữa, chế tạo vũ khí quân dụng, thu giữ tang vật gồm 9 khẩu súng, trong đó có 4 khẩu súng dài, 2 khẩu súng ngắn, 1 khẩu súng AK, 1 khẩu súng dạng carbine, 1 khẩu súng báng gấp cùng 200 viên đạn các loại, 405 vỏ đạn, 100 đầu đạn, 1 máy sử dụng cho việc chế tạo súng. Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã bắt thêm 2 đối tượng khác, thu nhiều súng và bộ phận của súng.
Cũng vào tháng 2/2014, Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá cơ sở sản xuất súng tự chế ở phường Thanh Vĩnh, thị xã Phú Thọ, bắt 2 đối tượng, thu giữ 3 khẩu súng tự chế, nhiều viên đạn, vỏ đạn.
Ngoài việc sản xuất trong nước, nguồn vũ khí vật liệu nổ… còn lại do thẩm lậu từ khu vực biên giới (phía Bắc - Trung Quốc); biên giới Tây Nam- Campuchia hoặc do sót lại sau chiến tranh và thất thoát từ các đơn vị được trang cấp quản lý, sản xuất sử dụng. Tại biên giới tỉnh Tây Ninh, tình hình mua bán vận chuyển vũ khí diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng lợi dụng việc qua lại giữa hai bên biên giới, số đối tượng người Việt Nam câu kết với đối tượng Campuchia vận chuyển vũ khí nóng về nước. Khi đến khu vực biên giới, chúng thuê xe ôm đi theo đường tiểu ngạch hoặc đường vòng nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng Biên phòng, Hải quan, sang Campuchia, tìm mua vũ khí.
Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nơi có trên 231km đường biên giới giáp với khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tình hình cũng diễn biến khôn lường. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trong đó có súng bắn đạn nhựa, đạn điện… được bày bán công khai tại các chợ cửa khẩu.
Gần đây, khi hoạt động của các lực lượng chức năng làm mạnh tay thì số hàng hóa trên không được bày bán công khai và bán qua “đơn đặt hàng”. Việc giao nhận nhanh chóng, kín đáo, đối tượng có nhu cầu chủ yếu là thanh niên. Sau khi xem mẫu ảnh, thống nhất về số lượng, chủng loại và giá tiền, đối tượng mới sang bên kia biên giới mua hàng. Cuộc đối đầu với tội phạm mua bán, sử dụng vũ khí nóng vì thế còn rất nhiều gian nan.
.