Pháp luật
'Thiên đường' xây bằng nước mắt của cô dâu bị ép buộc
16:10, 18/08/2014 (GMT+7)
Trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng phát hiện từ 400 - 500 vụ, liên quan đến 700 đối tượng, lừa bán gần 1.000 nạn nhân ra nước ngoài. Trong năm 2013, xảy ra 507 vụ (tăng 4%), sáu tháng đầu năm 2014 xảy ra 301 vụ (tăng 16% so với cùng kỳ). Phần lớn những nạn nhận bị lừa bán đều có hoàn cảnh khó khăn, hoặc ở những vùng sâu bị một số đối tượng mua bán người lừa bán qua biên giới. Nhiều cô gái trẻ vì muốn đổi đời, chấp nhận lấy chồng qua môi giới và trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người.
Nguyễn Thị Hồng Phượng - kẻ buôn người bị lực lượng Công an bắt giữ |
Kỳ 1: Nạn nhân trở thành chủ chứa
Những năm trở lại đây, số lượng phụ nữ bị bán qua Trung Quốc tăng đột biến, chiếm 90% trong các vụ mua bán người. Nhiều nạn nhân bị bán vào nhà chứa hoặc gả bán cho những người đàn ông Trung Quốc làm nô lệ lao động, nô lệ tình dục… hoặc sau khi bị “chồng” bóc lột sức lao động, tình dục… rồi bán vào các nhà chứa. Thậm chí, có nạn nhân sau khi đã thoát khỏi “địa ngục trần gian”, lại quay về nước, móc nối với một số đối tượng hình thành đường dây mua bán người. Trong số nạn nhân có cả người thân của “Tú bà, Tú ông”.
Nghèo không có tội…
Cha nghiện rượu, mẹ suốt ngày quần quật với công việc làm thuê nên chỉ đủ nuôi sống gia đình. Từ nhỏ, O. sống cùng bà ngoại. Học đến lớp 9, O. nghỉ học xin đi làm công nhân ở gần nhà. Đồng lương “ba cọc ba đồng”, O. chỉ làm được một thời gian rồi nghỉ. Ở xóm O. có một người lấy chồng Trung Quốc. Đầu tháng 6/2014, một lần qua chơi, O. được giới thiệu qua Trung Quốc lấy chồng, có cuộc sống sung sướng và toàn bộ chi phí đi lại đã có người lo trọn gói.
Tuy nhiên, khi qua đến nơi chỉ làm dâu được 2 ngày, O. đã đòi về nhà vì quá cực khổ. Ngoài việc làm quần quật cả ngày, tối về nhiều lần O. còn bị cha chồng quấy rối tình dục. Để O. được về nước, người thân ở quê phải chạy vạy đủ số tiền 30 triệu đồng đưa cho người môi giới để “chuộc” nạn nhân về nước. Trường hợp của O. chỉ là 1 trong hàng chục trường hợp phụ nữ bị “gả bán” qua Trung Quốc, được Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện.
Đại tá Lê Văn Bé Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Hiện nay, tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam với nhiều lý do (tham quan, du lịch…) nhưng thực chất tìm kiếm phụ nữ Việt Nam để kết hôn trái phép. Từ năm 2013 đến nay, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 11 vụ, với 18 đối tượng và 26 nạn nhân có dấu hiệu mua bán người, dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, có 134 phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Trong đó, có 165 trường hợp xin xác nhận lý lịch hôn nhân để kết hôn với người Trung Quốc nhưng bị Sở Tư pháp từ chối.
Đại tá Lê Văn Chương, Phó Chánh VP C56 – Bộ Công an cho biết, phần lớn các nạn nhân đều trong độ tuổi kết hôn và sống tại các vùng nông thôn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, hiểu biết xã hội còn hạn chế. Trong số đó, có một số phụ nữ có lối sống thực dụng, hưởng thụ, lười lao động, ỷ lại, sống dựa vào người khác, chỉ mong lấy chồng nước ngoài để đổi đời.
“Nhiều phụ nữ xem mong muốn lấy chồng ngoại nhằm thực hiện ước mơ của cha mẹ và xem đó là “mốt thời đại” làm thay đổi cuộc sống của mình, kiếm được nhiều tiền để phụ giúp gia đình nên dễ bị bọn tội phạm lừa gạt lấy chồng rồi bán ra nước ngoài. Nhưng thực tế cuộc sống không phải như những gì được thấy trong phim ảnh”, Đại tá Chương phân tích.
… để biến thành tội phạm
Cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, Nguyễn Thị Hồng Phượng (39 tuổi, ngụ phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) một “nách” nuôi 2 người con. Phượng đi làm nghề sơn móng tay nuôi sống bản thân. Nhiều lần thấy Phượng than thở cuộc sống khó khăn, Nguyễn Thị Hường (49 tuổi, ngụ ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên) hứa sẽ giúp đổi đời bằng cách lấy chồng ngoại.
Cuối năm 2012, Phượng đồng ý nhờ mai mối lấy chồng Trung Quốc. Sau đó, Phượng được đưa sang Trung Quốc và bị bán cho người đàn ông tên Li Miên Fan (52 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Ngày về làm vợ, Phượng khóc hết nước mắt khi biết mình bị bán với giá 150 triệu đồng. Phần tủi nhục, sợ xấu hổ với các con và người thân, Phượng giấu nhẹm chuyện bị “gả bán” như một món hàng. Gia đình chồng nghèo khó, cũng chẳng khá hơn cuộc sống của Phượng ở Việt Nam. Li Miên Fan bày cho Phượng về Việt Nam kiếm những cô gái trẻ lừa sang Trung Quốc bán làm vợ cho người khác, kiếm lời.
Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang đối tượng nhận tiền “giải cứu” nạn nhân O. về nước |
Phượng liên lạc với chị em Hường, bàn việc dụ dỗ những người phụ nữ sang Trung Quốc bán lại, giống như trường hợp của mình. Phượng ra giá với Hường, mỗi phụ nữ đồng ý sang Trung Quốc, Phượng trả cho Hường từ 40-50 triệu đồng, tùy theo độ tuổi và nhan sắc. Từ tháng 11/2012 đến tháng 12/2013, qua móc nối, Phượng đã lừa bán 21 phụ nữ ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang sang Trung Quốc. Các phụ nữ này được Phượng móc nối với nhiều đối tượng trong đường dây của mình, tổ chức đi bằng đường bộ, qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để sang Trung Quốc. Khi đến nơi, các nạn nhân bị dồn vào một căn phòng trọ tồi tàn và mỗi ngày, đều có những người đàn ông Trung Quốc đến xem mặt, ngã giá.
Những phụ nữ này được Li Miên Fan bán lại cho những người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ, với giá từ 165-200 triệu đồng/người. Phượng đã trả cho chị em Hường - Thơm 680 triệu đồng, Phượng bỏ túi khoảng 200 triệu, Li Miên Fan hưởng hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2012, Nguyễn Thị Phương Linh (26 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) xuất cảnh đi Malaysia dưới dạng đi du lịch và sống chung như vợ chồng với một người tên Lee Kok Wah (tên thường gọi là Ali) và được giao làm quản lý các tiếp viên phục vụ khách của cơ sở massage tại TP Kuala Lumpur. Năm 2013, Linh trở về quê nhà, phối hợp cùng với mẹ ruột Nguyễn Thị Ngọc Xinh (64 tuổi), dụ dỗ hàng loạt cô gái trẻ, trong đó có những người là bạn thân của Linh, sang Malaysia làm công việc nhẹ nhàng, với mức lương cao để ép vào cơ sở masage do Linh quản lý. Linh và Xinh lừa được 6 cô gái trẻ ở Đồng Tháp và Vĩnh Long sang Malaysia.
Sang đến nơi, Linh ép những người này làm tiếp viên massage phục vụ khách và bắt buộc không được mặc quần áo, tắm chung phòng để tạo kích thích cho khách. Khi khách có yêu cầu mua dâm thì phải thực hiện theo yêu cầu nhưng không được trả lương. Linh thỏa thuận với các bị hại mỗi lần tiếp khách massage được trả 50 ringit, nếu có bán dâm được trả 70 ringit. Tuy nhiên, các khoản thu nhập trong ngày làm việc của các bị hại đều do Linh giữ lại hết để trừ vào chi phí vé máy bay, xe đưa các bị hại đi từ Việt Nam đến Malaysia. Thời gian làm việc, đi lại, sinh hoạt của các nạn nhân đều được Linh cho người quản lý, giám sát chặt chẽ.
Nguồn: cand.com.vn