Pháp luật
Mua bán trứng phụ nữ có vi phạm pháp luật không?
Khoảng 11 giờ ngày 7-8, tại một quán cà phê ở KP.Đông, P.Vĩnh Phú (TX.Thuận An) xảy ra vụ cãi vã đòi lại số tiền 20 triệu đồng do giao dịch mua trứng phụ nữ bất thành giữa Nguyễn Thị Phương Thảo ( trú tại TP Hồ Chí Minh) và chị N.T.D.M (18 tuổi, quê Hậu Giang, tạm trú Bình Dương). Khi Công an TX.Thuận An có mặt giải quyết thì bị Thảo chửi bới, chống đối.
Tại trụ sở công an, chị M. khai nhận, trước đó qua mối quan hệ quen biết, Thảo đề nghị M. bán trứng cho một cặp vợ chồng hiếm muộn ở TP.HCM. M. đồng ý và nhận số tiền 20 triệu đồng từ Thảo. Tuy nhiên, khi nghe quy trình muốn lấy trứng thì phải đến bệnh viện tiêm thuốc kích thích cho rụng trứng nên M. đổi ý vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngày 7.8, M. gặp Thảo để trả lại tiền nhưng Thảo vẫn cố gắng thuyết phục để bán trứng. Do không thuyết phục được M., nên đã xảy ra cãi vã. Theo điều tra của công an, Thảo đã từng thực hiện hàng chục vụ môi giới mua bán trứng phụ nữ trong một thời gian dài. Mỗi vụ mua bán thành công, Thảo nhận được số tiền từ 2 - 3 triệu đồng và có thể nhiều hơn nữa tùy từng điều kiện của người mua.
Ngày 10-8, nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương tạm giữ Nguyễn Thị Phương Thảo (ở TP.HCM) để điều tra về việc mua bán trứng của phụ nữ. Bước đầu công an tình nghi Thảo nằm trong đường dây mua bán trứng phụ nữ, tinh trùng đàn ông. Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Vấn đề cần trao đổi là hành vi của nghi can Nguyễn Thị Phương Thảo đã vi phạm những quy định pháp luật nào và nếu bị truy tố, nghi can Thảo sẽ bị truy tố theo tội danh nào?
Đây là hành vi buôn bán bộ phận người
Trứng (còn gọi là noãn) là một bộ phận cơ thể người được quy định trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là không được mua bán. Tuy nhiên do điều kiện trứng không thể để lâu ngoài cơ thể quá 24 h nên không thể thành lập ngân hàng trứng để dành sử dụng được. Trong khi đó có tới 36% phụ nữ có biểu hiện của bệnh vô sinh, nhu cầu được hiến tặng trứng rất lớn, nhưng số người hiến trứng lại rất ít, do vậy nảy sinh thị trường chợ đen, những người cò mồi mua bán trứng và cả tinh trùng nhằm phục vụ điều trị cho những ca bệnh hiếm muộn. Những kẻ buôn bán trứng và tinh trùng này hầu hết là những người không có chuyên môn y tế, chỉ lấy lợi làm mục đích vì vậy đã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Có người mua trứng qua những kẻ môi giới này đã sinh ra những đứa con tật nguyền mà không biết kêu ai. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật nghiêm trị những kẻ này, đồng thời dẹp hết đám cò mua bán trứng và tinh trùng trước các bệnh viện.
Nguyễn Thị Minh Thái (Q1- TP Hồ Chí Minh)
Có sự tình nguyện trong việc mua bán trứng
Những người hiếm muộn luôn khao khát muốn có một đứa con nối dõi. Trong khi nhu cầu xã hội rất lớn mà các bệnh viện không đáp ứng được thì việc những người ngoài bệnh viện tự thỏa thuận với nhau để mua bán trứng là có thể thông cảm được. Dĩ nhiên họ không thể tự tìm đến nhau được, phải nhờ đến người môi giới. Có thể những hành vi này chưa đúng, nhưng vì những mục đích nhân đạo, tôi nghĩ có thể thể tất cho họ được. Nếu có sự bắt ép hoặc cưỡng bức thì mới là có tội. Số tiền 2-3 triệu đồng trả công môi giới để có một đứa con không phải là lớn.
Nguyễn Văn Phúc (P Tiền An, TP Bắc Ninh)
Hành vi mua bán trứng người là hành vi nguy hiểm
Đã có rất nhiều người do không chờ đợi được đã mua trứng của những kẻ cò mồi và đã trả giá bằng những đứa trẻ tật nguyền. Thậm chí những người cho trứng còn biết địa chỉ người nhận trứng để sau khi người nhận trứng sinh con đến làm phiền. Bởi việc cho và nhận trứng cũng như thụ tinh, sau đó cấy vào tử cung người nhận trứng rất phức tạp, cần phải có những thầy thuốc giỏi và tuân thủ những quy trình pháp lý và kỹ thuật rất phức tạp để đảm bảo an toàn về sức khỏe bà mẹ và đứa trẻ sau khi sinh đồng thời loại trừ những hậu quả xấu về mặt pháp lý cho gia đình đứa trẻ sau này. Những kẻ cò mồi, những người mua bán trứng không thể có mặt trong quy trình pháp lý và kỹ thuật này. Ít lâu nay, chúng ta còn nương nhẹ, chưa xử lý nghiêm khắc những hành vi nguy hiểm này, đã đến lúc cần những chế tài mạnh cho những kẻ buôn bán trứng cũng như tinh trùng người.
Lê Văn Ngũ (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình)
Không thể chấp nhận hành vi của kẻ cò mồi
Nhu cầu chị em phụ nữ cần trứng để điều trị hiếm muộn vô sinh là có thật. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa có ngân hàng trứng giống như ngân hàng tinh trùng (đã được thành lập từ rất lâu). Chị em phụ nữ cần trứng để chữa vô sinh thì tự họ liên lạc tìm người cho trứng, và phần lớn nguồn trứng cho là từ chị, em gái trong gia đình, dòng họ, người thân quen. Cũng có những trường hợp không có người thân, hoặc người thân không đủ điều kiện cho trứng, buộc bệnh nhân phải tìm nguồn trứng từ bên ngoài, và trong quá trình tìm kiếm có thể họ sẽ gặp một số trường hợp “cò” bán trứng. Cũng có một số chị em không tìm được nguồn trứng đành chịu. Có những trường hợp làm một số thủ tục, hồ sơ điều trị vô sinh rồi nhưng sau đó không tìm được người cho trứng. Do vậy, nếu có ngân hàng dữ liệu, kết nối người cho và nhận trứng, thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cặp vợ chồng điều trị vô sinh khi họ cần đến trứng. Tuy nhiên, không thể chấp nhận được những kẻ cò mồi, những người buôn bán trứng vì để có lợi nhuận họ sẵn sàng thuyết phục, dụ ngọt cả những phụ nữ không đủ điều kiện hiến trứng đi bán trứng với những bộ hồ sơ giả. Rât nguy hiểm.
Lan Hà (Sóc Sơn - Hà Nội)
Bình luận của luật sư
Theo đúng nội dung vụ án, nghi can Thảo đã thuyết phục chị M. bán trứng của mình lấy 20 triệu đồng để Thảo bán cho người cần với giá cao hơn. Hành vi này đã cấu thành tội mua bán tạng người, vì theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, noãn là một bộ phận cơ thể và việc cho nhận được điều chỉnh theo luật này. Khoản 3 điều 11 của Luật này quy định: Nghiêm cấm việc mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Tại khoản 2, khoản 3, Điều 4 - Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, quy định các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác phải vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại. Có thể khẳng định: nghi can Thảo đã vi phạm điều 4, điều 11 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về mặt pháp lý khi tìm hiểu thêm các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này.
Để hướng dẫn thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2003/NĐ-CP, Bộ Y tế cũng đã có Thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định này. Tại Điều 4, Thông tư số 07/2003/TT-BYT ngày 28/5/2003 của Bộ Y tế hướng dẫn thi hành Nghị định 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con bằng phương pháp khoa học thì pháp luật nghiêm cấm hành vi kinh doanh tinh trùng, noãn, phôi.
Không chỉ cấm việc kinh doanh tinh trùng, noãn, phôi người, các văn bản trên còn quy định chi tiết các điều kiện, quy trình thực hiện việc cho nhận và thụ tinh nhân tạo. Theo đó, người cho tinh trùng, cho noãn phải bảo đảm các điều kiện sau: tuổi đủ từ 20 tuổi đến 55 tuổi đối với người cho tinh trùng và đủ 18 tuổi đến 35 tuổi đối với người cho noãn; có đủ sức khỏe, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác; tự nguyện cho; không tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận.Việc lấy trứng phải vào bệnh viện hoặc các trung tâm có chuyên khoa điều trị hiếm muộn vô sinh để làm các thủ tục, và thủ thuật đúng quy định, quy trình, trong đó có việc hai bên làm cam kết việc cho - nhận trên tinh thần tự nguyện, không mua bán. Con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi. Các phòng mạch, ngay cả phòng mạch của bác sĩ sản phụ khoa, cũng không được lấy trứng. Hai người cho và nhận trứng được phép biết nhau (khác với cho tinh trùng, người cho và nhận quy định không được biết nhau). Điều 12 nghị định 12/2003/NĐ-CP quy định “chỉ các cơ sở y tế được Bộ Y tế hoặc sở y tế tỉnh, TP trực thuộc Trung ương công nhận đủ điều kiện mới được thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm”. Và các cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có trách nhiệm thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
Như vậy toàn bộ quy trình pháp lý và kỹ thuật không thể có mặt những người cò mồi, môi giới và buôn bán trứng phụ nữ. Hành vi mua bán trứng của nghi can Thảo đã vi phạm pháp luật và sẽ được xử lý theo tội danh vi phạm khoản 3 điều 10 nghị định 96/2011/NĐ-CP ngày 21-10-2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Nếu xét thấy nghiêm trọng, nghi can Thảo có thể bị truy tố theo Điều 242 Bộ luật Hình sự: Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác với nội dung: Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ bảy năm đến mười lăm năm. Đối với chị M. do hành vi bán trứng chưa xảy ra nên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Nguồn: anninhthudo.vn