Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201304/27404-vi-pham-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-gia-tang-391773/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201304/27404-vi-pham-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-gia-tang-391773/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm gia tăng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 05/04/2013, 14:38 [GMT+7]
27404

Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm gia tăng

Theo thống kê của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Nghệ An, đến thời điểm cuối năm 2012, trên địa bàn Nghệ An có trên 12.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD) diễn ra trên diện rộng nhưng quy mô nhỏ, hầu hết thủ công, không qua công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại, không đảm bảo ATVSTP. Tình hình vi phạm ATVSTP đang diễn biến phức tạp khiến công tác quản lý, xử lý của các ngành chức năng gặp nhiều khó khăn, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
 
Vi phạm tràn lan, giật mình những con số thống kê
 
Năm 2012, các ban, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra được 5.064 cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm; phát hiện 1.049 trường hợp vi phạm rõ ràng, các trường hợp còn lại hoặc công tác đảm bảo ATVSTP kém hoặc có những vi phạm nhỏ. Trong Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức 3 đoàn kiểm tra các cơ sở SXKD thực phẩm. Kết quả cho thấy, tình hình vi phạm xảy ra tràn lan, có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ vi phạm.
 
Ngày 31/1/2013, lực lượng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giò chả của bà Nguyễn Thị Nga tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh. Phát hiện quy trình sản xuất giò chả tại đây không đảm bảo ATVSTP, phòng PC49 đã lập biên bản thu giữ và tổ chức tiêu hủy hơn ba tấn giò chả và thịt heo, thịt bò đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Điều đáng nói là, cơ sở của bà Nga đã hoạt động từ năm 2009 đến nay, chuyên sản xuất giò chả, dăm bông nhưng không đầy đủ các giấy tờ về đảm bảo môi trường, ATVSTP, xuất xứ nguyên liệu đầu vào, các chất phụ gia, bảo quản trong quá trình sản xuất chế biến. Trong tháng 2/2013, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính 5 cơ sở SXKD giò chả, bún, bánh phở với số tiền 100 triệu đồng.
 
Sau các vụ việc nêu trên, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người tiêu dùng đã cảnh giác hơn với những loại thực phẩm không đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Tuy nhiên, với hình thức sản xuất tinh vi, sử dụng các chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ, bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể phát hiện được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm không đảm bảo ATVSTP.
 
Lực lượng QLTT kiểm tra ATVSTP tại siêu thị BigC
 
Theo thống kê của Trạm Thú y huyện Diễn Châu, trong năm 2012, cơ quan này đã được các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn huyện bàn giao xử lý 6 vụ vận chuyển sản phẩm động vật, tiêu hủy 2,5 tấn mỡ dạng nước, 1,2 tấn thịt chim cút, 3 tấn nội tạng trâu bò, 60.000 quả trứng gia cầm. Toàn bộ số hàng này đều không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ vận chuyển, đang trong quá trình phân hủy, khi đưa ra khỏi các túi bảo quản thì bốc mùi hôi thối.
 
3 tháng đầu năm 2013, Trạm Thú y huyện Diễn Châu tiếp tục được bàn giao gần 1 tấn nội tạng động vật, 400 kg chân trâu, gần 1 tấn chân bò. Các sản phẩm này cũng đang trong quá trình thối rữa và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm… Điều đáng nói là, các đối tượng tham gia vận chuyển khai báo, một số nội tạng động vật này sẽ được đưa về tiêu thụ trên địa bàn huyện Diễn Châu và vùng lân cận.
 
Ông Hoàng Trần Hường - Phó Trạm trưởng Trạm Thú y Diễn Châu cho biết, các đối tượng vận chuyển đều khai báo sản phẩm bị thu giữ có nguồn gốc từ miền Bắc. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến các cơ quan chức năng nhận định, tất cả các sản phẩm này đều được thu gom từ Trung Quốc.
 
Thời gian giao hàng ghi trong các túi nilon cách ngày bị thu giữ hàng tháng trời, nếu không đưa ra khỏi túi thì vẫn không bị thối rữa chứng tỏ các đầu nậu đã sử dụng các chất bảo quản, còn liều lượng bao nhiêu thì rất khó xác định. Hơn nữa, số lượng giết mổ tại khu vực miền Bắc không lớn đến mức có thể thu gom được một lượng nội tạng, chân trâu, bò lớn đến thế. Ông Hường cũng cảnh báo, hiện nay trên thị trường xuất hiện những tiểu thương buôn gà sống có những biểu hiện giống gà thải Trung Quốc.
 
Có thể, số gà trên được đưa sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch, sau đó phân tán thành các lồng nhỏ đưa đi tiêu thụ khiến công tác kiểm tra, quản lý rất khó khăn. Nếu là gà thải Trung Quốc thì không nên sử dụng bởi không thể xác định được lượng hóa chất tồn dư trong các con gà này.
 
Tang vật thu giữ tại cơ sở sản xuất giò, chả của gia đình bà Nguyễn Thị Nga
 
Gà thải trong chăn nuôi công nghiệp ở Trung Quốc chỉ dùng làm thức ăn trong công nghệ tái sản xuất và vì sao người dân Trung Quốc với dân số đông như thế lại không dùng hết mà phải tuồn sang Việt Nam cũng là điều đáng lưu tâm.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, việc giết mổ động vật chủ yếu vẫn diễn ra tại các lò mổ hộ gia đình nhỏ lẻ, không tập trung. Công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, vẫn có hàng nghìn con lợn, hàng trăm con trâu, bò… được đưa vào các chợ tiêu thụ.
 
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng thực sự mơ hồ và hoang mang trong việc phân biệt sản phẩm có đảm bảo ATVSTP, có bị dịch bệnh hay không. Công tác thanh kiểm tra, quản lý các cơ sở SXKD thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta đang gặp rất nhiều khó khăn, các ban, ngành hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ.
 
Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, siết chặt công tác quản lý
 
Trên thị trường hiện có 400 loại phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động là bản thân người trực tiếp sản xuất tại các cơ sở SXKD thực phẩm không nhận thức được mức độ nguy hiểm đối với cộng đồng của việc sử dụng chất phụ gia không đúng quy trình, liều lượng. Hơn nữa, nhiều chất phụ gia hiện nay được nhập khẩu từ nước ngoài rất khó quản lý về nguồn gốc xuất xứ, mức độ nguy hiểm đối với người tiêu dùng. Kết quả các đợt kiểm tra cho thấy 80% cơ sở có các dấu hiệu vi phạm về ATVSTP.
 
Thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết, tình trạng vi phạm ATVSTP đang đến mức báo động. Để đảm bảo ATVSTP cần chú trọng giải quyết các vấn đề: Chống việc SXKD thực phẩm, chất phụ gia, chất hỗ trợ, chất vi dinh dưỡng không đảm bảo điều kiện ATVSTP; chống sự lan truyền của dịch bệnh ở một số vùng và ngăn chặn ngay tình trạng nhập lậu các sản phẩm từ Trung Quốc, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Để đạt được các mục tiêu trên, phải “siết chặt” công tác quản lý Nhà nước và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực SXKD thực phẩm; xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị hữu quan buông lỏng công tác này. Công tác thẩm định cấp phép, giấy chứng nhận ATVSTP cho các cơ sở cũng phải thực hiện nghiêm túc và tăng cường công tác hậu kiểm.
 
Hàng năm, các ban, ngành hữu quan đều tổ chức tuyên truyền, ra quân kiểm tra xử lý một cách có hệ thống để nâng cao nhận thức cho các cơ sở SXKD nhưng chưa thực sự có những giải pháp đủ mạnh để giải quyết hiệu quả các vấn đề về ATVSTP, khó đánh giá được sự chuyển biến nhận thức và hành động sau mỗi đợt tuyên truyền.
 
Trong năm 2012, các cơ quan hữu quan đã phát hiện 1.049 trường hợp được kiểm tra vi phạm rõ ràng các quy định về ATVSTP. Trong số 616 trường hợp bị xử lý thì có tới 319 trường hợp chỉ bị cảnh cáo, đình chỉ sản xuất 8 cơ sở, ra quyết định xử phạt hành chính 55 cơ sở với tổng số tiền gần 21 triệu đồng. Đây thực sự là một con số khiêm tốn cho cả một năm với nhiều vi phạm trên lĩnh vực ATVSTP.
 
Trong thời gian qua, Sở Y tế Nghệ An, trực tiếp là Chi cục ATVSTP đã tích cực thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra, tổ chức tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức người dân, cảnh báo tình trạng vi phạm ở các cơ sở SXKD chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, với chế tài xử phạt nhẹ như hiện nay, khi các đoàn kiểm tra đi, tình hình sản xuất, chế biến với “công nghệ bẩn” lại tái diễn.
 
Từ khi thực hiện chức năng xử lý tội phạm trong ATVSTP đến nay, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã tích cực đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm trong lĩnh vực này. Thượng tá Nguyễn Viết Nhi cho biết thêm, sắp tới Chính phủ sẽ tăng mức xử phạt trong vấn đề ATVSTP lên 7 lần, đưa tội danh vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP gây hậu quả nghiêm trọng đối với người tiêu dùng vào Bộ luật Hình sự.
 
Hy vọng, với sự đổi mới này cộng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành hữu quan, công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh ta thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực.

Văn Dũng
.