Năm 2003, anh Hoàng Xuân Hải (SN 1964) và vợ là Nguyễn Thị Soa (SN 1969), thường trú tại xóm Thuận Mỹ, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn đã đấu thầu sử dụng chiếc ao liền kề nhà ở với diện tích 1.000m2, làm nơi nuôi cá kinh doanh. Giữa gia đình chị Soa và Ủy ban nhân dân xã Nam Cát đã thỏa thuận ký với nhau một bản hợp đồng cho thuê ao nuôi cá có thời hạn 5 năm (2004 - 2009).
Sau khi trúng thầu, gia đình chị Soa đã thuê nhân công, máy móc tiến hành cải tạo, nạo vét, xây bờ bao vững chắc để nuôi cá. Hàng năm, gia đình anh Hải đều nộp đầy đủ các khoản hoa lợi cho UBND xã Nam Cát như đã cam kết trong hợp đồng. Khi hết thời hạn hợp đồng, phía UBND xã Nam Cát đã đồng ý cho gia đình chị Soa gia hạn thêm thời gian sử dụng ao để kinh doanh.
Tiếp đó, năm 2006, UBND xã Nam Cát cho gia đình ông Nguyễn Văn Đông cùng trú tại xóm Thuận Mỹ, xã Nam Cát thuê một khu đất ở bờ mương bơm chuyền gần ao cá nhà chị Soa làm nơi kinh doanh, buôn bán. Đáng lý ra, gia đình ông Đông chỉ được làm kiốt tạm thời để phục vụ việc kinh doanh, vì khu đất này nằm cạnh con mương bơm chuyền của xã.
Chị Nguyễn Thị Soa bên chiếc ao cá bị cưỡng chế
Thế nhưng, không hiểu vì sao UBND xã Nam Cát lại để gia đình ông Đông được tự do xây dựng nhà kiên cố bằng bê tông, cốt thép và lấn ra con mương bơm chuyền, làm cản trở dòng chảy. Chính vì vậy, khi xây dựng lại cây “cầu Xây” UBND xã Nam Cát đã phải dịch địa điểm xây cầu về phía Nam, tránh khu đất nhà ông Đông đang thuê, nắn dòng chảy của mương bơm chuyền hướng sang phía ao cá nhà anh Hải.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã Nam Cát cho rằng: Chiếc cầu Xây chỉ mở rộng hơn cầu cũ chứ chúng tôi không di chuyển địa điểm. Còn khu đất của gia đình ông Nguyễn Văn Đông thuê kinh doanh, buôn bán thì chúng tôi chỉ ký hợp đồng thời hạn 5 năm một lần. Việc ông Đông lấn chiếm ra bờ mương chúng tôi đã xử phạt hai lần rồi.
Như vậy, việc lấn chiếm diện tích đất của nhà ông Nguyễn Văn Đông là có thật và đã bị phạt hành chính, thế nhưng hiện tại gia đình ông Đông vẫn tiếp tục được phép bám trụ ở bờ mương buôn bán? Được biết, ông Nguyễn Văn Đông là thông gia với ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cát.
Mới đây, UBND xã Nam Cát có chủ trương tiến hành cải tạo mương bơm chuyền, đồng thời nắn lại dòng chảy con mương này. Vì vậy, để có được mặt bằng cải tạo và nắn dòng chảy, tránh khu đất nhà ông Đông, UBND xã Nam Cát đã yêu cầu gia đình chị Soa thanh lý hợp đồng thuê ao.
Tuy nhiên, do mới đầu tư hàng chục triệu đồng để mua cá thả xuống ao, hiện tại cá đang nhỏ nên chị Soa đang muốn kéo dài thêm một thời gian nữa, sẽ bán cá rồi trả lại ao cho xã. Bất chấp sự nài nỉ của mẹ con chị Soa, sáng 16/1/2013, UBND xã Nam Cát đã huy động lực lượng mạnh đến ao cá của gia đình cưỡng chế, chặt phá cây cối trên bờ ao, đưa máy vào múc thành ao, gây nên sự phẫn nộ và uất ức cho gia đình chị Soa.
Chị Soa bức xúc nói: Cái ao này trước đây là khu ruộng bỏ hoang, gia đình chị phải bỏ nhiều công sức, tiền của để cải tạo, mới được như hôm nay. Chỉ vì xã có ý tránh khu đất cho nhà ông Đông thuê nên nắn con mương sang phía nhà chị, rồi bắt gia đình phải thanh lý hợp đồng. Sáng hôm đó (ngày 16/1/2013), họ rầm rộ kéo đến chặt, phá cây cối, ủi thành tan hoang. Khi được hỏi, gia đình chị có nhận được Quyết định cưỡng chế của UBND xã Nam Cát trước ngày 16/1/2013 hay không? Chị Soa quả quyết không hề nhận được Quyết định cưỡng chế nào.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã Nam Cát thừa nhận: Quyết định cưỡng chế thì không có, việc này chúng tôi đã làm nhiều lần rồi, từ năm 2005 đến nay.
Như vậy, có thể khẳng định rằng việc thực hiện cưỡng chế, nhưng không ra Quyết định là một hành động trái pháp luật của UBND xã Nam Cát. Theo điểm d, khoản 1, Điều 32 Cưỡng chế thu hồi đất của Nghị định 69/2009/NĐ-CP ghi rõ việc cưỡng chế phải: “Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành”.
Mong rằng, các cơ quan chức năng của huyện Nam Đàn sớm điều tra làm rõ sự việc trên, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Trần Đức Thắng
.