Như tin đã đưa, sau một thời gian lập án đấu tranh, vận động các nhân chứng, người liên quan cung cấp tài liệu, ngày 21/1/2013, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1972), phó Trưởng ban, phó Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ về tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo điều 280 Bộ luật Hình sự.
Đây là sự kiện được dư luận hết sức quan tâm bởi vấn đề không chỉ là vụ việc một cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người mà còn là bài học đắt giá về công tác tổ chức và quản lý cán bộ.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Quốc Tuấn đã thành khẩn khai nhận hành vi của mình. Trong đó, Tuấn đã giả mạo các thủ tục cấp đất trồng rừng và chuyển nhượng để lừa anh Dương Văn M. và chị Dương Thị H. (trú tại Diễn Yên, Diễn Châu) chiếm đoạt 180 triệu đồng, lừa ông Nguyễn Văn Tùng ở Quỳnh Lưu chiếm đoạt 180 triệu đồng.
Nguyễn Quốc Tuấn đã lợi dụng cương vị của mình để mua đi, bán lại hàng trăm ha rừng và vay nóng của hàng chục người, rải rác tại địa bàn nhiều huyện như Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, TP Vinh... với số tiền trên 6 tỷ đồng.
Nguyễn Quốc Tuấn tại Trại tạm giam Công an tỉnh
Lật lại hồ sơ lý lịch của Nguyễn Quốc Tuấn, mới thấy con người này có một vỏ bọc thật “hoàn hảo” khiến nhiều người mắc lừa. Năm 1999, Tuấn tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp với tấm bằng Giỏi. Sau 1 năm công tác tại trường, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là con trai cả, Tuấn về quê lập nghiệp, công tác tại lâm trường huyện Tân Kỳ.
Năm 2005, sau khi chuyển giao Ban quản lý rừng phòng hộ, Tuấn được bổ nhiệm phó Trưởng ban và phó Bí thư chi bộ Ban quản lý rừng phòng hộ khi vừa tròn 33 tuổi. Liên tiếp những năm sau đó, Nguyễn Quốc Tuấn tiếp tục được cơ quan tạo điều kiện, học tập, tốt nghiệp các khóa Trung cấp, Cao cấp chính trị.
Tương lai sẽ sáng lạng với Nguyễn Quốc Tuấn nếu anh ta không trượt dài trên những vết đen tội lỗi bởi ham mê tiền bạc. Tuấn khai nhận, từ năm 2008, ý nghĩ ham tiền, quyết kiếm tiền bằng mọi giá được manh nha. Chỉ riêng trong 2 năm 2008 và 2009, Nguyễn Quốc Tuấn thực hiện nhiều “thương vụ” mua bán đất lâm nghiệp đã giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 163/1993/NĐ-CP và Nghị định 02/1995/NĐ-CP của Chính phủ mà thủ đoạn chính là Tuấn ra quyết định, kí tên đóng dấu, giả mạo quyết định, chữ kí, các thủ tục chuyển nhượng để bán đất rừng.
Lợi dụng vị trí công tác của mình, Nguyễn Quốc Tuấn đã tùy tiện mua bán hàng trăm héc ta đất rừng sản xuất sai quy định. Đồng thời hợp thức hóa các thủ tục, kéo dài thời hạn rừng giao khoán.
Với những người bạn học ở lớp chính trị cùng Tuấn, khi biết Nguyễn Quốc Tuấn là “chúa chổm” của đất Tân Kỳ, với họ như là một “cú sốc”. Bởi họ cũng không ngờ một cán bộ có trình độ chính trị cao cấp lại bị biến chất như vậy. Nhiều người học cùng lớp là “chủ nợ” của Tuấn, nhưng họ cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Ngay cả một số người dân thị trấn Tân Kỳ, sau khi ông phó Ban quản lý rừng phòng hộ vay của mình hàng trăm triệu đồng với cam kết trong thời gian ngắn sẽ trả cả gốc lẫn lãi, họ tìm cách đòi nợ thì cũng chỉ nhận được những bộ hồ sơ chuyển nhượng đất rừng hoặc bìa đất coi như tài sản thế chấp. Nhưng khi tìm đến ngân hàng, nơi Tuấn “cắm bìa” thì mới tá hỏa bởi những giấy tờ đó đều đứng tên người khác.
Hành động của một “ông quan” trở thành “chúa chổm” trở thành đề tài bàn tán của người dân thị trấn Tân Kỳ những năm gần đây. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sau một thời gian dài bị mất uy tín trong cơ quan, ngay cả việc bỏ phiếu kỷ luật, đã có 9/16 phiếu đề nghị cách chức, xử lý kỷ luật về Đảng nhưng hàng năm nay, ngành chủ quản vẫn không xử lý.
Đáng chú ý hơn, hầu như năm nào, Tuấn cũng được bình bầu là cán bộ xuất sắc cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của ngành. Năm 2011, Nguyễn Quốc Tuấn được “vinh danh” với 2 Bằng khen của cấp trên. Đặc biệt, cơ quan chủ quản đã có thanh tra, kết luận từ tháng 7/2012, nhưng chẳng hiểu sao, Tuấn vẫn điềm nhiên “giữ ghế”, không có biện pháp khắc phục.
Dư luận bức xúc trước một vụ án cán bộ lãnh đạo vì tư lợi mà thoái hóa, biến chất, bất chấp pháp luật. Lật ngược lại vụ việc, nếu Nguyễn Quốc Tuấn không bị cơ quan điều tra phát hiện sẽ còn “giữ ghế” đến bao giờ và sẽ còn lừa bao nhiêu người nữa? Đây là vấn đề để lại nhiều bài học đắt giá cho chính quyền địa phương mà rõ nhất là công tác tổ chức và quản lý cán bộ.
Mỗi vụ án tham nhũng xảy ra đều gắn liền với thất thoát tài sản, mất cán bộ và đặc biệt là tổn hại niềm tin của người dân, của xã hội với Đảng và Nhà nước. Riêng vụ án Nguyễn Quốc Tuấn, xảy ra ngay trong nội bộ cơ quan đảng thì tổn hại còn nhiều hơn và nó cũng để lại nhiều vấn đề mà chúng ta phải rút kinh nghiệm nghiêm túc. Nếu có sự sáng suốt, kiểm điểm nghiêm túc, chặt chẽ trong mỗi Đảng bộ, Chi bộ thì những Nguyễn Quốc Tuấn, những cán bộ thoái hóa sẽ không có chốn để dung thân.
Hương Giang
.