Thực trạng và những khó khăn
Trong năm 2012 các lực lượng Công an TP Vinh xác lập 20 chuyên án về hình sự và tệ nạn xã hội, đã phát hiện điều tra làm rõ 85 vụ án các loại, bắt giữ xử lý 157 đối tượng. Ngoài ra, lực lượng Công an thành phố đã điều tra mở rộng 66 vụ án khác, trong đó triệt xóa 41 ổ nhóm tội phạm các loại, bắt 115 đối tượng, trong đó có 6 ổ nhóm 40 đối tượng tội phạm nguy hiểm bị bắt giữ.
Quá trình điều tra khám phá án, Công an thành phố đã thu giữ nhiều loại vũ khí nóng bao gồm 7 khẩu súng các loại cùng nhiều loại hung khí khác như dao, kiếm, đao, mác, tuýp sắt… Đáng chú ý là phá chuyên án 312.G bắt các đối tượng trong ổ nhóm sử dụng súng bắn đạn hoa cải gây ra 2 vụ gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra tại quán Bar số 3 đường Nguyễn Tiến Tài (Hưng Bình) và tại số nhà 21 đường Nguyễn Du (Trung Đô).
Nhóm đối tượng bị bắt giữ bao gồm Đặng Hữu Dũng (SN 1991), Phạm Đình Thoại (SN 1990) trú ở khối 5, phường Đội Cung; Lưu Mạnh Hùng (SN 1991) trú ở khối 4, Cửa Nam và Vinh Lan trú ở phường Hồng Sơn, TP Vinh, thu 1 khẩu súng bắn đạn hoa cải.
Hay như khám phá chuyên án cố ý gây thương tích mang bí số 1211.T bắt giữ ổ nhóm đối tượng Vũ Hoài Mi (SN 1984), Vũ Hoài Khánh (SN 1987) trú ở khối Quang Trung, Vinh Tân; Nguyễn Anh Tuấn (SN 1994) trú ở khối Cộng Hòa, Vinh Tân và Ngô Anh Đông (SN 1988) trú ở khối 12 Cửa Nam đã dùng dao kiếm chém trọng thương anh Nguyễn Xuân Hải (SN 1989) trú tại khối 1, phường Cửa Nam.
Công an TP Vinh bắt giữ một số đối tượng sử dụng vũ khí nóng gây án
Ngoài ra cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng thanh niên và lứa tuổi vị thành niên tụ tập ăn chơi, càn quấy, sử dụng vũ khí thô sơ như dao, kiếm, mác, mã tấu để hoạt động phạm pháp, nhiều trường hợp đã dẫn đến phạm tội hình sự như cướp, cưỡng đoạt, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ và gây rối TTCC.
Điều đáng nói là do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hung khí, phương tiện trước khi gây án nên hậu quả của các vụ việc thường rất nghiêm trọng, làm thiệt hại đến sức khỏe và tài sản, gây dư luận xấu và tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân.
Từ thực trạng phát sinh loại tội phạm này chúng ta thấy rằng: Công tác phòng ngừa tội phạm trong gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và công tác giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, chưa xây dựng được ý thức tự giác, chấp hành pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội.
Các cấp chính quyền cơ sở chậm phát hiện và giải quyết mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai nhà cửa và các mâu thuẫn do tệ nạn rượu chè, cờ bạc… nên đã xảy ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, giết người do mâu thuẫn không đáng có. Quy định của pháp luật đã chặt chẽ nhưng vẫn còn kẽ hở khi đối tượng sử dụng các loại hung khí nhất là các loại súng tự tạo.
Loại vũ khí này không được coi là vũ khí quân dụng nên chưa được xử lý nghiêm. Chỉ khi nào hành vi sử dụng các loại vũ khí đó gây hậu quả nghiêm trọng mới được xử lý hình sự nên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Mặt khác, nhiều vụ việc các nhóm thanh niên đâm chém nhau gây thương tích, cơ quan công an đã điều tra làm rõ nhưng theo quy định của pháp luật các biện pháp áp dụng xử lý đối tượng trong lứa tuổi này chưa mạnh nên không đủ sức răn đe giáo dục. Quá trình điều tra xử lý tội phạm này cũng gặp nhiều khó khăn.
Sau khi có vụ cố ý gây thương tích xảy ra, cơ quan công an tiến hành điều tra bắt giữ đối tượng nhưng phải chờ người bị hại ra viện để trích sao bệnh án, trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật. Nếu hết thời gian tạm giữ tối đa 9 ngày mà người bị hại chưa có tỷ lệ thương tật thì chưa có đủ căn cứ để khởi tố đối tượng và không còn cách nào khác buộc phải trả tự do cho đối tượng.
Nhiều vụ vì lý do nào đó người bị hại từ chối đi giám định, rút đơn tố cáo nên cũng không thể có căn cứ để xử lý đối tượng, dẫn đến xem thường kỷ cương pháp luật. Khó khăn cơ bản cho công tác xử lý đối với loại tội phạm này là xuất phát từ người bị hại. Khi vụ việc xảy ra, bản thân người bị hại làm đơn tố cáo và đề nghị xử lý, cơ quan công an đã tiến hành điều tra làm rõ nhưng sau đó người bị hại lại thỏa thuận về dân sự đối với đối tượng hoặc bị đồng bọn đối tượng đe dọa nên không đề nghị cơ quan công an giải quyết nữa.
Bên cạnh đó, công tác điều tra gặp nhiều khó khăn, vì nhiều vụ người làm chứng không muốn hợp tác với cơ quan điều tra vì sợ liên lụy, sợ bị trả thù. Do vậy trong công tác điều tra các vụ dùng vũ khí nóng chưa rõ đối tượng gặp rất nhiều khó khăn.
Một số giải pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm sử dụng vũ khí nóng, ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, thường xuyên tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật phòng ngừa tội phạm đến tận người dân chúng ta cần đặc biệt coi trọng vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tuyên truyền định hướng giúp cho người dân nắm được phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm hình sự để phòng tránh và tham gia đấu tranh.
Tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý đặc doanh, quản lý vũ khí chất nổ, chất độc hại làm hạn chế, thu hẹp tiến tới xóa bỏ điều kiện hoạt động của bọn tội phạm. Chúng ta cần tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Công văn số 1499/C41 của Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm về việc triển khai đợt kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Phối hợp chặt chẽ với quân đội, các ngành, các lực lượng có liên quan tổ chức tuyên truyền vận động toàn dân thu hồi giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại hung khí. Tổ chức rà soát, kiểm tra không để xảy ra các trường hợp thất thoát vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Nắm và quản lý chặt chẽ kịp thời, áp dụng các đối sách đối với các đối tượng hình sự nổi, nhất là số tội phạm hình sự nguy hiểm, số có khả năng, điều kiện gây án nghiêm trọng. Thường xuyên đẩy mạnh công tác nắm tình hình về các ổ nhóm tội phạm hình sự trên địa bàn và đối với các vụ án nghiêm trọng cần tập trung đấu tranh khám phá nhanh và có hiệu quả.
Xin được dùng ý kiến của thượng tá Mai Chiến Thắng - Phó trưởng Công an TP Vinh để kết thúc bài viết này: Ngoài những giải pháp có tính khả thi trên, chúng ta phải có kế hoạch chuyên đề về phòng ngừa tấn công tội phạm theo tuyến, địa bàn trọng điểm gắn với việc mở các đợt cao điểm tấn công truy quét các loại tội phạm nổi lên trong từng thời gian.
Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, hóa trang mật phục trên các tuyến địa bàn trọng điểm để phát hiện, ngăn chặn bắt giữ kịp thời bọn tội phạm hoạt động gây án, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng. Trước mắt, lực lượng Công an TP Vinh cần thực hiện tốt và có hiệu quả “Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn”.
Thành Trung
.