Những ngày tháng 9, nhiều địa phương đang quyết liệt ra quân hưởng ứng tháng An toàn giao thông; đặc biệt trong năm 2012, Năm An toàn giao thông, tháng hành động này càng được tổ chức có quy mô, bài bản, với một niềm tin tai nạn giao thông sẽ từng bước được kiềm chế, đẩy lùi, mang lại bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
Tuy nhiên, mới đây cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) điều tra làm rõ vụ lái xe gây tai nạn giao thông chết người rồi bỏ trốn, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức người lái xe, khi mà khẩu hiệu “Văn hóa giao thông” đang từng bước đi vào tiềm thức và hành động thường ngày của mỗi người khi tham gia giao thông…
Gây tai nạn rồi bỏ trốn - chuyện hàng ngày ở huyện…
Chúng tôi gặp Nguyễn Như Xuân (SN 1986) ở khối 7, thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, lái xe hãng taxi Mận Vũ (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) tại cơ quan cảnh sát điều tra vì hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn. Sau 2 ngày gây tai nạn chết người, trông Xuân vẫn bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra. Khi được hỏi vì sao gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy, Xuân trả lời một cách bài bản, như là “bài truyền thống” của cánh lái xe khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này: Bỏ chạy vì sợ người nhà đánh đập…
Để hiểu hơn vụ án này, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ hồ sơ tại Đội Cảnh sát Giao thông trật tự và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Cẩm Xuyên. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào lúc 21 giờ ngày 14/9/2012, tại Km 519+200 Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Cẩm Thành giữa xe ôtô (không rõ biển kiểm soát, đã bỏ chạy) và một người đi xe đạp (chưa rõ tung tích). Hậu quả, người đi xe đạp bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Nguyễn Như Xuân, tài xế gây tai nạn tại Cẩm Xuyên bị CQĐT bắt giữ
Rõ ràng, vụ án xảy ra trong đêm, không một người chứng kiến. Không phải vì “sợ người nhà đánh đập” mà lợi dụng khung cảnh vắng vẻ này, vị tài xế trẻ tuổi đã nhanh chóng “cao chạy xa bay” ra khỏi hiện trường để tránh sự phát hiện của quần chúng và các cơ quan chức năng. Còn nạn nhân thì “sống chết mặc bay”.
Trước đó, vào khoảng 14 giờ 20 phút ngày 6/9, tại đường du lịch ven sông Lam thuộc địa phận xóm 4, xã Hồng Long, Nam Đàn (Nghệ An), bà Nguyễn Thị Tám (SN 1943) ở xã Hồng Long đi chợ cũng bị xe ôtô tông chết tại chỗ rồi bỏ chạy. CQĐT Công an huyện đã điều tra và bắt giữ tài xế Lữ Đình Quyết (SN 1983) trú tại thôn Bắc Sơn, xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hiện đang ở quê vợ ở xóm 11, xã Hồng Long, người đã gây ra vụ tai nạn trên.
Đã có nhiều câu chuyện thương tâm sau khi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn. Nhiều nạn nhân đã vĩnh viễn ra đi, nhiều người mang thương tật suốt đời, mà không biết “hung thần” nào đã “gõ cửa”. Còn kẻ gây tai nạn thì không mảy may xuống xe, giúp đỡ nạn nhân mà “kế chuồn” được thực hiện trước nhất, sau đó vào các xưởng gara sửa chữa, mà mục đích xa hơn hòng che dấu vết của một vụ tai nạn vừa xảy ra.
Theo trung tá Dương Huy Lưu - Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an Cẩm Xuyên thì tình trạng lái xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy rất nhiều. Phát hiện, điều tra kẻ bỏ trốn rất khó khăn đối với cơ quan chức năng. Tìm ra thủ phạm Nguyễn Như Xuân, lái xe taxi Mận Vũ - đối tượng gây tại nạn vào đêm 14/9, tại xã Cẩm Thành là một kết thúc có hậu với tổ trinh sát, sau nhiều ngày miệt mài, cần mẫn điều tra, quyết tâm không bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, do không có người nhà đến nhận nạn nhân, nên các lực lượng chức năng đã tổ chức mai táng, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm tung tích nạn nhân.
Đạo đức người lái xe…
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, khi gây ra tai nạn các bên phải giữ nguyên hiện trường và phải có trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu. Tại Điều 202 - Bộ luật Hình sự nước CHXHCNVN về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tại điểm c, khoản 2, Bộ luật Hình sự quy định: Bị phạt tù từ ba năm đến mười năm trong trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn…
Có lẽ, cánh lái xe chuyên nghiệp biết rõ về quy định này. Dưới góc độ đạo đức, gây tai nạn rồi bỏ chạy, đây là hành vi đáng phải lên án. Bài học đạo đức người lái xe là bài học đầu tiên đối với các học viên trước khi được truyền đạt về pháp luật an toàn giao thông. Tuy nhiên có một thực tế, gây tai nạn giao thông, không có ai phát hiện thì nhanh chóng tẩu thoát, lại là bài học của cánh lái xe khi “biết sai nhưng vẫn làm”.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn. Nhưng nếu chẳng may vụ việc xảy ra, mỗi người cần khơi dậy tính nhân bản trong con người mình để nhân văn hơn trong các tình huống xấu. “Quay đầu là bờ”, pháp luật luôn khoan hồng với những ai biết ăn năn, hối cải, nhưng đồng thời luôn nghiêm trị những kẻ xem thường kỷ cương, phép nước, thờ ơ, vô cảm trước tính mạng của đồng loại.
Thiết nghĩ, dẫu không phải là sớm, nhưng không phải là quá muộn, để các cấp, các ngành, các tổ chức và cộng đồng xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để chính mỗi người khi tham gia giao thông ý thức hơn hành vi của mình để thực sự ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.
Xuân Lý
.