Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201209/23024-vi-su-an-toan-cho-moi-chuyen-do-ngang-395169/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201209/23024-vi-su-an-toan-cho-moi-chuyen-do-ngang-395169/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vì sự an toàn cho mỗi chuyến đò ngang - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 19/09/2012, 09:30 [GMT+7]
23024

Vì sự an toàn cho mỗi chuyến đò ngang

Xã Nam Thượng có 2 làng tách biệt được chia cách bởi dòng sông Lam. Mặc dù đã có cây cầu bắc qua Sông Lam đoạn từ thị trấn Nam Đàn qua xã Nam Tân để đi lại trong mùa mưa bão, nhưng nhiều năm nay việc đi lại qua sông bằng đò ngang đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân, kể cả giáo viên và học sinh xã Nam Thượng. Nguyên nhân là do khoảng cách từ cầu về trường, hay tới các điểm trung tâm khá xa phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, trong khi đó đi đò chỉ mất từ 15 đến 20 phút.
 
Làm nghề lái đò đã mấy chục năm nay nên hơn ai hết ông Nguyễn Văn Nại luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước sự an toàn của khách qua sông. Vì vậy, việc nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông trên mỗi chuyến đò luôn được ông đặt lên hàng đầu.
 
Ông Nại cho biết: “Tại đây, hầu như cán bộ, học sinh và nhân dân đều đi lại bằng đò vì có thể rút ngắn được thời gian. Làm nghề lái đò đã nhiều năm nay, tôi luôn chấp hành nghiêm mọi quy định của pháp luật, giấy phép, nội quy hoạt động, phao cứu sinh… luôn đầy đủ. Thường xuyên kiểm tra, tu sửa thuyền, nhất là khi bước vào mùa mưa bão. Vào những lúc nước lên cao tôi cũng không dám vận hành bởi nước chảy xiết, việc đi lại qua sông là rất mạo hiểm, thậm chí “đánh cược” với mạng sống. Làm như vậy cũng là để bảo vệ tính mạng của mình và mọi người”.
 
Nam Đàn hiện có hai cây cầu chính bắc qua sông là cầu Yên Xuân và cầu thị trấn Nam Đàn. Ngoài ra, còn có 3 bến đò ngang tồn tại từ nhiều đời nay và 18 bến cát sạn phát sinh trong những năm gần đây, tập trung chủ yếu ở thị trấn Nam Đàn và bến rú Gềnh thuộc xã Hùng Tiến. Tổng số tàu thuyền chuyên khai thác cát sạn trên tuyến Sông Lam thuộc địa phận Nam Đàn lên tới 70 chiếc, chưa kể lượng tàu thuyền của các huyện lân cận như Thanh Chương, Hưng Nguyên lưu thông trên tuyến làm cho giao thông đường thuỷ ở Nam Đàn trở nên quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ. 
 
 
Công an Nam Đàn tăng cường kiểm tra tại các bến đò
 
Trước thực trạng đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở lớp tập huấn cho các chủ phương tiện tham gia giao thông đường thủy trên địa bàn, Công an Nam Đàn còn phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ Nghệ An tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật giao thông đường thuỷ nội địa, kiên quyết đình chỉ cấm lưu hành đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn, không có thiết bị cứu hộ, chủ phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn…
 
Tăng cường các biện pháp kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông để ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với những tổ chức, cá nhân có phương tiện lưu thông trên tuyến nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường thuỷ nội địa nhằm chấn chỉnh hoạt động, lập lại trật tự kỷ cương về ATGT đường thuỷ trên địa bàn, nhất là trong mùa mưa lũ.
 
Chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay, qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính trên 5 triệu đồng đối với một số phương tiện không đăng ký, không có chứng chỉ, bằng lái tàu thuyền, chở hàng quá trọng tải quy định và 10 bến bãi vi phạm chỉ giới luật giao thông đường thuỷ nội địa.
Trao đổi về vấn đề này, thượng tá Ngô Công Đồng - Phó trưởng Công an huyện Nam Đàn cho biết: Để đảm bảo lưu thông trên các bến đò mùa mưa bão, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông Công an Nam Đàn đã tăng cường phối hợp với ngành chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại các bến đò.
 
Tuy nhiên, ngoài một số chủ đò bến bãi chấp hành nghiêm thì một số khác vẫn còn lơ là, thiếu ý thức, việc mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh của người đi đò còn xem nhẹ, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi đi đò. Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng chưa cao, chưa thực sự quyết liệt...
 
Vì vậy, chúng tôi đã kịp thời nhắc nhở, đồng thời tuyên truyền cho các chủ đò trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người đi đò. Đối với những trường hợp vi phạm, lập biên bản và xử phạt nghiêm, qua đó nhằm lập lại trật tự kỷ cương, đảm bảo trật tự ATGT, nhất là mùa mưa bão đã đến.
 
Với sự phối hợp tích cực của các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh và địa phương nên nhiều năm liền, tình hình TTATGT đường thuỷ trên tuyến luôn được giữ vững, không có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra, góp phần tích cực xây dựng và thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tuyến đường thủy nội địa Nam Đàn theo hướng tích cực và bền vững.

Lê Hoa - Hồng Sương
.