Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần sớm có chế tài, biện pháp xử lý "mạnh tay", cương quyết đối với hành vi chống người thi hành công vụ của người vi phạm luật giao thông.
Diễn biến phức tạp cả số vụ và mức độ
Khoảng 12h30 ngày 19/6, Trần Văn Doãn và Phan Văn Thịnh đều trú tại xóm 2A, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) điều khiển xe môtô mang BKS 37B1-593.90 không đội mũ bảo hiểm chạy theo hướng Vinh - Nam Đàn đến đoạn ngã 3 Đài tưởng niệm 12/9 huyện Hưng Nguyên thì bị Đội CSGT Công an huyện Hưng Nguyên đang làm nhiệm vụ tại đây phát hiện.
Khi xe mô tô của 2 đối tượng cách tổ tuần tra kiểm soát giao thông khoảng 50m thì trung tá Hồ Hùng Cường - Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện làm Tổ trưởng ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, Trần Văn Doãn là người điều khiển xe không những không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT đang thi hành nhiệm vụ mà còn tăng ga, lạng lách và lao thẳng vào người trung tá Cường.
Đối tượng chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông bị bắt giữ |
Do cú va chạm quá mạnh, chiếc xe môtô lao thẳng vào người và hất tung trung tá Cường lên khỏi mặt đất, sau đó cả đồng chí Cường và 2 đối tượng Doãn và Thịnh ngã xuống đường. Hậu quả, trung tá Hồ Hùng Cường bị gãy cổ tay phải và chân trái; trầy xước da dẫn đến phù bả vai… đầu gối chân phải bị sưng nề. Còn đối tượng Phan Văn Thịnh ngồi sau xe bị chấn thương vùng trán. Riêng Trần Văn Doãn bị trầy xước không đáng kể.
Sau khi vụ việc xảy ra, đồng chí Hồ Hùng Cường và Phan Văn Thịnh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Trần Văn Doãn bị Công an huyện Hưng Nguyên bắt giữ ngay sau đó.
Trước đó, vào lúc 15h30 ngày 8/6, tổ tuần tra kiểm soát giao thông, Công an huyện Đô Lương do thượng sỹ Đặng Văn Phú và thượng sỹ Lê Bá Thìn đang làm nhiệm vụ phát hiện Thái Đình Tình điều khiển xe mô tô hiệu Future mang BKS 37B1-767.43, không đội mũ bảo hiểm, chở người ngồi sau là Nguyễn Viết Nguyên (SN 1979), trú tại xóm 8, xã Thịnh Sơn, Đô Lương đi trên QL7B.
Lập tức tổ công tác ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra giấy tờ thì đối tượng không hợp tác mà còn khóa cổ xe sau đó bỏ đi cách 20 m về phía đoạn ngã tư giao nhau giữa QL15A với QL7B. Lúc này tổ công tác được tăng cường thêm thượng sỹ Lê Đức Thi để hỗ trợ giải quyết. Tổ công tác yêu cầu 2 đối tượng xuất trình giấy tờ xe và mời về trụ sở công an để làm việc nhưng cả 2 không chấp hành.
Trong lúc phản đối vi phạm, 2 đối tượng đã lăng mạ, chửi bởi, thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Riêng Thái Đình Tình đã xô thượng sỹ Phú rồi đấm vào mặt thượng sỹ Thi, đồng thời giật đứt cúc áo của thượng sỹ Thìn. Tuy nhiên hành động chống đối người thi hành công vụ của hai đối tượng trên đã bị Công an Đô Lương bắt ngay sau đó.
Cần một chế tài đủ mạnh
Theo thượng tá Nguyễn Duy Đông - Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh: Đối với các vụ việc chống đối người thi hành công vụ là những đối tượng coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác. Các đối tượng vi phạm Luật GTĐB khi tham gia giao thông luôn tìm cách trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, khi trốn tránh không được thì quay ra cản trở, chủ yếu là các hình thức: Lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra, cản trở người thi hành, thậm chí lao thẳng xe vào các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ để trốn chạy... Khi được yêu cầu kiểm tra, sự việc các đối tượng chống đối đều diễn ra nhanh, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đều bị bất ngờ.
Do đó, để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, về phía chúng tôi đã yêu cầu các chiến sỹ khi làm nhiệm vụ phải đề cao cảnh giác. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát phải thực hiện đúng quy định, quy trình, chủ động phát hiện, hỗ trợ cho nhau, ngăn chặn kịp thời các vụ chống lại người thi hành công vụ". Đồng thời, để hạn chế tình trạng này các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng chống đối, thậm chí hành hung cảnh sát diễn ra lâu nay đó là do chúng ta chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt. Thực tế, nhiều vụ việc, đối tượng mới chỉ bị khởi tố vì hành vi chống người thi hành công vụ mặc dù hành vi vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn và tính mạng của các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ.
Thậm chí trong một số trường hợp, người vi phạm thậm chí chỉ bị phạt hành chính. Vì vậy, đối với các vụ việc chống đối người thi hành công vụ phải đưa ra xét xử lưu động, áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các đối tượng vi phạm nhằm giáo dục, ngăn ngừa chung trong xã hội.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai Kế hoạch số 2552/KHC61 - C67TĐB-ĐS về việc tổ chức TTKS, xử lý vi phạm, đảm bảo TTATGT liên tuyến QL1A từ Nghệ An đến Đồng Nai, tổ chức tại TP. Đà Nẵng (tháng 8/2012), Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết: “Tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn ra phức tạp thời gian qua, nhất là 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác. Để từng bước giải quyết tình trạng này, Bộ Công an đang xây dựng nghị định xử lý các vụ việc chống người thi hành công vụ trong công tác TTKS giao thông. Sau khi nghị định ra đời, sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực và có sức răn đe cao các hành vi vi phạm”.
Theo thống kê của Cục CSGT ĐB-ĐS, Bộ Công an: Năm 2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 56 vụ chống người thi hành công vụ trong tham gia giao thông, làm 18 đồng chí bị thương, cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ 63 đối tượng bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý. Chỉ trong vòng 6 tháng (từ 16/11/2011 đến 15/5/2012), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 27 vụ chống đối Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, trong số đó, độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng này ngày một trẻ hóa, khoảng từ 17-30 tuổi, nhiều nhất là từ 17-25 tuổi. Không chỉ tăng về số lượng, đáng lưu ý, tính chất của các vụ chống đối cũng ngày càng nghiêm trọng. Tính đến giữa tháng 5/2012, đã có 1 chiến sỹ hy sinh và 4 đồng chí khác bị thương. |
Xuân Thống
.