Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201208/22217-chuyen-hy-huu-cua-mot-ban-an-395774/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201208/22217-chuyen-hy-huu-cua-mot-ban-an-395774/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện hy hữu của một bản án - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 10/08/2012, 14:00 [GMT+7]
22217

Chuyện hy hữu của một bản án

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin chưa đi sâu vào vấn đề tranh chấp đất đai giữa 7 thành viên trong gia đình anh em của ông bà Vũ Văn Hiến với nhiều tình tiết phức tạp mà hai cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm của tỉnh Nghệ An đã nêu mà chúng tôi chỉ đi vào thủ tục hành chính hợp pháp của hai bản án cũng đã thấy có vấn đề cần được làm sáng tỏ.
 
Chuyện hi hữu 1: Tại bản án dân sự phúc thẩm số 44/2009/DSPT của Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An do thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, ông Nguyễn Đức Văn ký, nêu rõ “Ngày 08 tháng 7 năm 2008 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 69/2008/TLPT-TCDS ngày 16/10/2008 về tranh chấp chia tài sản chung”.
 
Vợ chồng ông Hiến đến khiếu nại tại cơ quan thi hành án
 
Áp dụng điều 217, khoản 1 và điều 275 của bộ Luật dân sự phân chia tài sản cho 7 thành viên anh, chị em ông Vũ Văn Hiến và bà Lê Thị Hường với các mức tiền khác nhau đều căn cứ vào bản án dân sự sơ thẩm số 17/2008/DSST ngày 29/8/2008 của Toà án nhân dân huyện Quỳnh Lưu. Vậy là, xét về mặt thời gian thì bản án phúc thẩm có trước bản án sơ thẩm 50 ngày.
 
Chuyện hi hữu 2: Tại trang 5, dòng 27 từ trên xuống của bản án có ghi “Anh Hiến và chị Hường phải trả tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất và tài sản cho chị Vũ Thị Lan, chị Vũ Thị Đông, anh Vũ Văn Hùng mỗi người 108.720.000 đồng.” Nhưng trong bản án gốc số tiền là 168.936.000 đồng. Như vậy, trong 2 bản án, số tiền chênh lệch hơn 60.000.000 đồng.
 
Và chuyện hi hữu 3: Tại bản án phúc thẩm số 44/2009/DSPT, trang 7 dòng 14 từ trên xuống có ghi rõ “Ông Phạm Xuân Thắng cũng có đơn kháng cáo án sơ thẩm đề ngày 8/8/2008, (Toà án huyện Quỳnh Lưu nhận đơn ngày 9/9/2008)”. Trong khi đó, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 29/8/2008. Như vậy ông Thắng kháng cáo trước khi vụ án được đưa ra xét xử 21 ngày?
 
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh  có quá nhiều điều phi lý
 
Rõ ràng các lỗi trong bản án dân sự phúc thẩm số 44/2009/DSPT nêu trên không phải là lỗi chính tả thông thường mà đó là lỗi cơ bản, những lỗi rất kiêng kị trong một văn bản liên quan đến luật, rất cần sự chặt chẽ, rõ ràng. Và tất nhiên đã là lỗi cơ bản thì không có hiệu lực để thi hành án. Vậy chi Cục Thi hành án huyện Quỳnh Lưu vẫn cố tình thi hành - nghĩa là sao?
 
Điều 240 Bộ Luật tố tụng dân sự 2004 và Điều 167 Bộ Luật tố tụng hành chính 2010 (có hiệu lực từ 1/7/2010) đã quy định: “Không được sửa chữa bản án sau khi đã tuyên án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Nghị quyết 02 của HĐTP TAND tối cao (ngày 12/5/2006) đã hướng dẫn cụ thể: “Nếu phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, như lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự… Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như cộng, trừ, nhân, chia sai… thì phải sửa lại cho đúng. Không cho phép can thiệp vào nội dung bản án”.
 
Chúng tôi có trao đổi với bà Lê Thị Thủy, Trưởng Thi hành án huyện Quỳnh Lưu. Bà Thủy công nhận bản án bị lỗi về thời gian, nhầm lẫn từ năm 2009 thành 2008, còn một lỗi nữa do lỗi tính toán. Vì sao một bản án bị lỗi như vậy mà vẫn thi hành? Bà Thủy cho biết, đã có văn bản đính chính của Toà án tỉnh. Còn khi chúng tôi hỏi về những lỗi không được đính chính thì bà Thủy nói: “Các anh sang toà án mà hỏi” (!).
 
Tuy nhiên, qua thông báo của Toà án tỉnh Nghệ An (số 67/VP TADS ngày 19/7/2012) sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm số 44/2009/DSPT vừa nêu, rất dễ nhận ra, có nhiều điểm không hợp lý. Thứ nhất, bản án đã có hiệu lực 4 năm, đã tổ chức cưỡng chế thi hành 3 năm, tại sao giờ mới có văn bản đính chính? Có phải Toà án tỉnh Nghệ An làm việc theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”?; thứ hai, lỗi “ông Phạm Xuân Thắng cũng có đơn kháng cáo án sơ thẩm đề ngày 8/8/2008, (Toà án huyện Quỳnh Lưu nhận đơn ngày 9/9/2008)” - nghĩa là kháng cáo trước khi vụ án đưa ra xét xử, không hề được đính chính.
 
Có thể nói, những chuyện hy hữu như trên của bản án phúc thẩm số 44/2009/DSPT là hết sức kì cục. Với “danh chính ngôn thuận” trên văn bản thì có 2 điều ngược đời. Một là, án phúc thẩm có trước án sơ thẩm; hai là, toà chưa xử đã có đơn kháng cáo (!?).
 
Chuyện pháp luật mà tưởng như chuyện đùa, chuyện chơi. Bản án đã kì cục rồi, cơ quan Thi hành án còn kì cục hơn. Bất chấp sai sót, cứ thi hành cưỡng chế! Để rồi người dân bị đẩy vào bi kịch không chốn nương thân. Mong rằng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tôn trọng pháp luật, tôn trọng người dân hơn.
 
 
Hà Thanh
 

Liên hệ quảng cáo: 0383.839168 - 0946111580
.