Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201207/21841-tro-ve-tu-hong-sung-cuop-bien-somalia-396088/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201207/21841-tro-ve-tu-hong-sung-cuop-bien-somalia-396088/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trở về từ họng súng cướp biển Somalia - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 23/07/2012, 08:15 [GMT+7]
21841

Trở về từ họng súng cướp biển Somalia

Mẹ, cha khóc khi nhận được tin “con còn sống”
 
Tháng 9/2009, 12 thuyền viên rời làng quê đi xuất khẩu lao động làm việc trên tàu FV Shiuh Fu No1. Đến ngày 25/12/2010, nhóm hải tặc Somalia có súng, dao đã bắt cóc con tàu FV Shiuh Fu No1, trên tàu có 14 thuyền viên Trung Quốc và 12 thuyền viên Việt Nam (10 người quê Nghệ An và 2 người quê Hà Tĩnh).
 
Hơn 18 tháng ròng, trên khóe mắt của những người cha, người mẹ, người vợ của các thuyền viên đi Đài Loan xuất khẩu lao động trên tàu FV Shiuh Fu No1 bị cướp biển Somalia bắt cóc lăn dài nước mắt lo lắng, đợi chờ. Nhớ thương con, bố, mẹ của các thuyền viên nhiều đêm không thể chợp mắt.
 
Họ nhiều lần bấm điện thoại gọi đến người môi giới và công ty đòi con. Càng chờ đợi, người thân càng lo lắng khi thuyền viên điện về cho biết: “Các con bị hải tặc đánh đập bỏ đói, chặt tay thuyền trưởng rồi”. Cuộc gọi thứ hai thuyền viên cho biết: “Phía hải tặc đang đòi hơn 60 tỷ đồng tiền chuộc nhưng chủ tàu không chịu và đang bỏ bê các thuyền viên”.
 
Rồi sau một thời gian “bặt vô âm tín”, lại nhận được điện của con nói: Hải tặc đã đưa một số thuyền viên đi đâu, nghi là đã đánh chết. Người thân hoảng sợ hơn khi nhận được cuộc điện thoại của thuyền viên nói: “Hải tặc đã đưa ra tối hậu thư là yêu cầu chủ tàu và đây là cuộc gọi về nhà lần cuối cùng nếu không trao tiền chuộc tàu và người”.
Vẻ mặt thất thần của bà Nhị (mẹ thuyền viên Lưu Đình Hùng) ngày nghe tin con gặp nạn
 
Thậm chí, gia đình đã chuẩn bị lập di ảnh để thờ con, vì nghĩ quẩn rằng: “Con đã vào tay hải tặc, có lẽ khó sống sót trở về”. Một số gia đình đề nghị không nhận lương mà để phần lương đó góp thêm cho công ty và chủ tàu để sớm chuộc đưa thuyền viên trở về.
 
“Cứ mỗi lần nhận được điện thoại của con, chúng tôi lại thêm lo lắng cho tính mạng của con. Đến khi nhận được điện thoại của con cho biết tất cả thuyền viên đã được giải cứu, đang trên đường về quê nhà, chúng tôi mới an lòng”, bà Võ Thị Nhị (ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) - mẹ của thuyền viên Lưu Đình Hùng cho biết.
 
Ông Trần Văn Vinh (ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc) - bố của thuyền viên Trần Văn Hùng cho biết: “Khi nhận được thông tin con tàu và các thuyền viên đã được giải cứu, tôi chạy vào nhà tắm khóc nức nở. Rồi yên lòng hơn khi con đã điện về cho biết sức khoẻ bình thường. Chúng tôi đã tính đến bán nhà chuộc con anh à. Tôi và em trai tôi trước đây đi xuất khẩu lao động cũng đều gặp nạn. Nay đến Hùng đi cũng gặp nạn. Vừa qua, con trai là Nguyễn Văn Thành (20 tuổi, em trai của Hùng) đã làm thủ tục đi xuất khẩu lao động, nhưng thấy anh đang nằm trong tay cướp biển nên tôi không cho con đi. Hiện, Thành đã đăng ký để đi nghĩa vụ quân sự”.
Thuyền viên Trần Văn Hùng
 
Cũng như ông Vinh, nhiều người thân của các thuyền viên quê Nghệ An, Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua mẹ của các thuyền viên nhiều lần khóc ngất vì quá lo lắng cho con. Họ nhiều lần ra Hà Nội để “kêu cứu, sớm đưa con trở về”. Nhiều người cũng đã tính đến chuyện bán nhà và vay nợ để góp tiền chuộc thuyền viên.
 
Chiều 21/7, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania cũng đã điện thoại về gặp bố, mẹ các thuyền viên thông báo tình hình: Các thuyền viên đang được phía Đại sứ quán chăm lo, sức khoẻ tốt. Đồng thời, căn dặn các gia đình chuẩn bị đón con về nhà.
 
Qua điện thoại, các thuyền viên cũng đều cho biết, họ đã được an toàn, sức khoẻ tốt và dự kiến 2 đến 3 ngày nữa sẽ về đến Việt Nam.
 
Con tàu từng bị ép đi bắt cóc tàu khác
 
Trong thời gian qua, phía chủ tàu và công ty đưa 12 thuyền viên đi xuất khẩu lao động luôn liên lạc động viên người thân các thuyền viên.
 
Trong thư chủ tàu gửi cho công ty và bố, mẹ các thuyền viên từng cho biết: Trong thời gian con tàu bị bắt giữ phía công ty chủ tàu luôn nghĩ các cách để giải cứu, nhưng bọn hải tặc Somalia luôn tắt hệ thống định vị của tàu và không để lộ tung tích con tàu FV Shiuh Fu No1 đang được giấu ở đâu. Do vậy, việc tìm kiếm, giải cứu con tàu và các thuyền viên luôn gặp khó khăn.
 
Gia đình ông Vinh vui mừng khi nghe tin con được giải thoát an toàn
 
Trong công văn phía công ty chủ tàu gửi cho người thân thuyền viên cho biết: Trong tháng 8/2011, bọn hải tặc tiếp tục lợi dụng tàu đưa ra biển Ấn Độ Dương để tiếp cận tàu khác. Từ hành động của hải tặc có thể đoán được nguyên nhân trước kia hải tặc không tích cực thực hiện các đàm phán với công ty chính là muốn lợi dụng tàu tiếp tục đi bắt cóc các con tàu khác.
 
Vì vậy, trong thời gian này phía hải tặc không muốn đàm phán để thả thuyền viên, thả tàu… Cuối tháng 2/2012, chủ tàu đã chuyển tiền chuộc cho cướp biển và dự kiến trong tháng 3/2012, thuyền viên sẽ được trở về bình an, nhưng sau đó người luôn giữ liên lạc đàm phán kể từ ngày 7/3 lại không nhận điện thoại của chủ tàu”.
 
Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết: Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao và các doanh nghiệp dịch vụ đưa thuyền viên Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, với những nỗ lực của các cơ quan hữu quan, đêm 17/7, 12 thuyền viên Việt Nam cùng 14 thuyền viên Trung Quốc, làm việc trên con tàu FV Shiuh Fu No1 đã được cướp biển trao trả an toàn. Sau đó, được tàu khu trục Trung Quốc có tên Chang Zhou tiếp nhận tại khu vực Vịnh Aden và đưa về Tanzania - nơi có Đại sứ quán Việt Nam và Trung Quốc.
 
Ngày 21/7, tàu khu trục Chang Zhou đưa toàn bộ số thuyền viên về đến cảng Dar es Salaam. Đại sứ quán Việt Nam đã xin phép nhập cảnh tạm thời Tanzania cho số thuyền viên tàu cá là người Việt Nam. Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp phái người tiếp cận các thuyền viên trong thời gian sớm nhất và mua vé máy bay đưa về nước. Dự kiến, ngày 23/7, các thuyền viên sẽ về Việt Nam. Bố, mẹ các thuyền viên cho biết, họ sẽ cùng nhau đến sân bay đón các anh trở về quê nhà.

Nguyễn Nam Xuân
.