Ngày 29/1/2012 (mồng 7 Tết Nhâm Thìn), cháu Nguyễn Mai Linh (3 tuổi), con chị Nguyễn Mai Hiên trú khối 7, thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) bị cậu ruột là Nguyễn Viết Hà vô ý đè két sắt lên chân làm gãy vỡ xương đốt 1, 2 ngón 1 và trật khớp 2, 3 ngón 2 bàn chân phải. Cháu được cậu Hùng (em ruột Hà) đưa đến phòng khám trung tâm Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu nhập khoa ngoại lúc 17h20.
Kíp trực gồm bác sỹ Nguyễn Thắng Lợi, Hồ Hữu Biên, Hồ Xuân Ngọc sát khuẩn, gây tê, cắt lọc phần dập nát, khâu xong 6 mũi an toàn lúc 18 giờ 30 phút. Nghe bác sỹ giải thích “Cháu còn nhỏ, khi vết thương lành xương sẽ liền”, gia đình xin đưa cháu về nhà. Bác sỹ hướng dẫn cách uống thuốc dặn 2 ngày lên trạm xá thay băng một lần.
7 ngày sau, chân cháu nhiễm trùng, gia đình đưa đi Bệnh viện nhi Nghệ An rồi Hà Nội. Sau khi điều trị một tuần, các bác sỹ cắt bỏ 2 đốt và tạo hình ngón 1 chân phải cho cháu.
Ngày 11/2, chị Hiên làm đơn kiến nghị lên Giám đốc bệnh viện cho rằng: “Do kíp trực làm chậm, giải thích không rõ ràng nên gia đình tin tưởng xin cho cháu về, vì để quá bị hoại tử mới phải cắt ngón. Yêu cầu bồi thường và kỷ luật kíp trực”.
Ngày 29/2, Ban Giám đốc mời gia đình cùng kíp trực đến làm việc nhưng gia đình bảo lưu ý kiến trong đơn tiếp tục khiếu kiện lên Sở và Bộ Y tế.
Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu
Để đánh giá đúng vụ việc, ngày 15/3, Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu họp hội đồng khoa học gồm BGĐ 3 người, 5 trưởng khoa, 1 trưởng phòng đi đến kết luận: “Thái độ phục vụ của kíp trực không gây phiền hà cho bệnh nhân (dựa vào phản ánh trung thực của anh Hùng, cậu ruột cháu); xử lý kịp thời (thời gian từ khi nhận bệnh nhân đến lúc hoàn thành phẫu thuật chỉ 70 phút); nguyên tắc điều trị vết thương ngón chân, tay là bảo tồn đến mức cao nhất nên việc bảo tồn của kíp trực là đúng yêu cầu chuyên môn vì vết thương lúc đó mới và sạch, chỉ vết thương nhiễm trùng không bảo tồn được mới cắt bỏ. Nếu điều trị ở tuyến trên thì việc bảo tồn vẫn được đặt lên hàng đầu.
Cụ thể khi cháu vào Bệnh viện Nhi Nghệ An bác sỹ cũng tư vấn điều trị kháng sinh một tuần. Gia đình không yên tâm đưa cháu đi Bệnh viện Nhi Hà Nội cũng được điều trị 1 tuần không kết quả mới cắt phần bị tổn thương.
Thiếu sót: Bác sỹ không tư vấn cho người nhà bệnh nhân một cách chặt chẽ, chưa nói rõ điều có thể xảy ra sau khi khâu vết thương, nên gia đình xin đưa cháu về và chủ quan trong việc theo dõi điều trị tại nhà nên khi vết thương không bảo tồn được thì cho là do bác sỹ. Khi cho bệnh nhân về, bác sỹ không hướng dẫn gia đình cam kết ký vào hồ sơ để xảy ra việc khiếu kiện”.
Đích thân Giám đốc Bệnh viện cùng các bác sỹ đã trực tiếp đến thăm hỏi cháu tại nhà giải thích để gia đình rõ, đồng thời có báo cáo gửi Sở Y tế theo yêu cầu Công văn ngày 13/3.
Đột nhiên, ngày 30/3, Nguyễn Viết Hà (người gây tai nạn) gửi đơn đến yêu cầu bệnh viện bồi thường cho bé 100.000.000 đồng và 15 triệu đồng chi phí đi lại. Bệnh viện giải thích thế nào ông Hà cũng không chịu, lại kéo theo nhiều người gây áp lực rồi hạ xuồng 40 triệu đồng. Bệnh viện luôn luôn bị quấy rầy, làm ảnh hưởng việc khám chữa bệnh cho nhân dân và hoạt động nội bộ bệnh viện.
Ngày 8/5, Bệnh viện tiếp tục làm việc với gia đình. Chị Hiên đề nghị hai bác sỹ Lợi, Biên quan tâm hỗ trợ cho cháu mỗi người một tháng lương. Hai bác sỹ nhất trí và trao 8.000.000 đồng. Chị Hiên nhận, ký biên bản hứa không thắc mắc kiện cáo gì thêm.
Cẩn thận hơn, chị ghi chú: “Tôi đã làm việc với Bệnh viện và giải quyết tình cảm với các bác sỹ xong. Chúng tôi hứa không làm đơn và không làm khó các bác sỹ nữa”.
Bản viết tay thoả thuận của chị Hiên với Bệnh viện
Sự việc đáng lẽ nên dừng lại ở đó, vừa trọn vẹn đôi đường. Nhưng 10 ngày sau, gia đình có đơn đòi thêm 25.159.000 đồng tiền chi phí các khoản. Đặc biệt, trong đó có khoản tiền 3.000.000 đồng thuê nhà báo, tiền chụp ảnh, khởi kiện...
Không được đáp ứng, ngày 8/6, ông Hà lại đến Bệnh viện và đưa ra một bản hợp đồng thuê văn phòng luật sư Cao Trí có địa chỉ tại 175, Lê Viết Thuật, TP Vinh với số tiền thù lao lên đến… 30.000.000 đồng và mặc cả: Trong 25 triệu đồng trên, do BS Lợi quan tâm thăm hỏi nhiều lần nên bớt cho 5 triệu đồng, trừ luôn cho số đã nhận 8 triệu đồng, còn 12 triệu đồng nếu không đưa sẽ cho luật sư vào cuộc (tức thuê 30 triệu đồng để đòi… 12 triệu đồng).
Giọt nước tràn ly, thời gian tiếp ông Hà quá nhiều trong lúc việc trị bệnh cứu người như nước sôi lửa bỏng, Bệnh viện cầu cứu đến sự can thiệp của Công an xã, huyện. Khi công an xuất hiện thì ông Hà đã bỏ về.
Bệnh viện ra Thông báo 186 trả lời dứt khoát: “Việc hỗ trợ cháu Linh đã thống nhất trong biên bản ngày 8/6/2012. Bà Hiên không nhất trí thì làm đơn đến các cơ quan pháp luật. Từ nay không được tự ý đến Bệnh viện khiếu nại làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh và công việc Bệnh viện”. Từ đó đến nay, lãnh đạo bệnh viện, các bác sỹ liên tiếp phải nhận nhiều cuộc điện thoại quấy rầy, đe dọa, yêu cầu vô lý.
Trao đổi với chúng tôi, trung tá Trương Đình Tuấn, Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã Công an Quỳnh Lưu kiên quyết: “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm bất cứ kẻ nào đến gây rối, làm mất ANTT, gây ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh cho nhân dân”.
Minh Trị
.