Thứ Tư, 25/12/2019, 08:29 [GMT+7]

Nâng tầm các tiêu chí nông thôn mới theo hướng bền vững

(Congannghean.vn)-Năm 2019, Nghệ An triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện hết sức khó khăn, việc huy động sức dân với vai trò chủ thể trong xây dựng NTM giảm đáng kể... Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, Nghệ An cơ bản đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và được Trung ương ghi nhận là sáng tạo và linh hoạt trong xây dựng NTM, dù với đặc thù số xã miền núi nhiều, địa bàn chia cắt, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn.

Huy động các nguồn lực góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới
Huy động các nguồn lực góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới

Tính đến cuối tháng 11, toàn tỉnh có 259/431 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó có 225 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, chiếm 52,2%. Trong 225 xã NTM, có 4 xã thuộc huyện nghèo 30a; 2 xã biên giới; có 30 xã có đồng bào dân tộc thiểu số; 87 xã có đồng bào giáo dân. Bên cạnh đó, 4 đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn NTM là TX Thái Hòa, TP Vinh, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành. Quá trình xây dựng NTM tại các địa phương trên đã ghi nhận nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tế.

Đơn cử như tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, thực hiện Đề án Xây dựng Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 - 2025 của Chính phủ, xã Kim Liên đã tập trung nâng cao các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xã cũng đặc biệt chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ như thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác; phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Quan tâm vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện và mến khách.

Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí ANTT trong xây dựng NTM, Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Đề án 07 về xây dựng tổ tự quản ở cộng đồng dân cư trên địa bàn phát huy hiệu quả thiết thực. Toàn huyện thành lập được 2.055 tổ tự quản, mỗi tổ từ 15 - 20 hộ, tất cả các khu dân cư đều có tổ tự quản, các gia đình đều tham gia tổ tự quản.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong năm 2019, toàn tỉnh đã huy động được trên 6,9 nghìn tỉ đồng xây dựng NTM; trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp gần 964 tỉ đồng và hơn 1,4 triệu ngày công. Thực hiện phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng NTM” năm 2019, nhiều chương trình đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng như cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng NTM” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi” của Hội Nông dân…

Ngoài phong trào nói trên, Hội Nông dân đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM; trong đó phải kể đến việc vận động, tổ chức, thành lập các mô hình tổ hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như: Với tổ hợp tác chăn nuôi gà chuẩn VietGAP xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn; tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ vốn vay, tập huấn quy trình chăn nuôi theo đúng chuẩn quy trình VietGAP. Hay như tổ liên kết sản xuất nước mắm khối 7, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giám sát các hộ dân sản xuất nước mắm sạch, an toàn; tham gia giữ gìn môi trường làng nghề.

Những cách làm sáng tạo, linh hoạt, những việc làm cụ thể, thiết thực của tổ chức Hội Nông dân các cấp đã góp phần khơi dậy sức dân, phát huy nội lực, tạo thành phong trào thi đua rộng rãi “xây dựng NTM từ nhà, ra vườn, ra cộng đồng dân cư”. Từ đó, đưa phong trào phát triển có chiều sâu, để “mỗi làng quê đều là nơi đáng sống”. Thực hiện phong trào xây dựng NTM 2019, toàn tỉnh có 6 tập thể và 3 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; UBND tỉnh, huyện Nam Đàn, TP Vinh vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, có 168 tập thể và 216 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Quá trình xây dựng NTM của tỉnh trong năm 2019 dù ghi nhận nhiều kết quả quan trọng song theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu kinh tế nông thôn chưa có sự thay đổi lớn; sự gắn kết giữa công nghiệp và dịch vụ với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ, chưa bền vững. Việc phát triển mô hình hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã, các mô hình liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp còn hạn chế; việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa rộng rãi; mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa thật sự chặt chẽ; cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất tạo mô hình sản xuất hàng hóa chưa đủ mạnh. Ô nhiễm môi trường nông thôn đang đặt ra nhiều thách thức.

Ngoài ra, phong trào thi đua và kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, các huyện trong tỉnh, giữa các xã trong huyện và giữa các ngành chưa đồng đều, đặc biệt là giữa khu vực thành thị và vùng cao. Đơn cử như tại 27 xã vùng biên của tỉnh, trải dài ở các huyện gồm Kỳ Sơn (có 11 xã), Tương Dương (4 xã), Con Cuông (2 xã), Quế Phong (4 xã), Anh Sơn (1 xã), Thanh Chương (5 xã), cơ sở hạ tầng và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhìn chung vẫn còn thiếu và yếu. Cụ thể, vẫn còn 300 thôn bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, 9 xã chưa có đường ôtô vào trung tâm. Các dịch vụ y tế, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nâng cao trình độ dân trí. Do đó, việc xây dựng NTM ở 27 xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới của tỉnh không chỉ là yêu cầu, nguyện vọng của bà con mà cũng là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh lâu dài của tỉnh.

Theo Đề án xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã biên giới của Nghệ An, mục tiêu đến năm 2020, có kết cấu hạ tầng hướng tới đạt chuẩn NTM; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, bình yên, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh ổn định và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Hiện, tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư theo Đề án xây dựng NTM 27 xã biên giới trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, tỉnh cũng bố trí được hơn 60 tỉ đồng từ vốn dự phòng của Trung ương song vẫn chưa thực hiện được do phải chờ thông qua tại Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm. Do vậy, các địa phương lựa chọn công trình đầu tư để tỉnh phê duyệt, sớm triển khai sau khi đã cấp nguồn vốn. Việc Chính phủ ban hành riêng một đề án phát triển cho 27 xã biên giới của tỉnh Nghệ An sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn lực quan trọng trong xây dựng NTM và được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” mới trong công cuộc phát triển KT-XH của vùng biên Nghệ An.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, quan điểm chỉ đạo của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đảm bảo thực chất và bền vững, đi vào chiều sâu, phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó xác định 3 nhóm mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng NTM theo hướng bền vững gồm: Thúc đẩy phát triển sản xuất, các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường; hoàn thiện nhóm các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế; hoàn thiện nhóm các tiêu chí hạ tầng KT-XH.

.

Thùy Dương

.