Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi/201606/tap-trung-xay-dung-nong-thon-moi-o-vung-kho-khan-685031/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi/201606/tap-trung-xay-dung-nong-thon-moi-o-vung-kho-khan-685031/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tập trung xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 28/06/2016, 15:42 [GMT+7]

Tập trung xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu định hướng xây dựng nông thôn mới (NTM) cho giai đoạn 2016-2020 là vừa làm trên diện rộng, nhưng có trọng điểm, tập trung vào những vùng khó khăn; nâng bình quân số tiêu chí NTM của các xã.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu định hướng xây dựng NTM cho giai đoạn 2016-2020 là vừa làm trên diện rộng, nhưng có trọng điểm, tập trung vào những vùng khó khăn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vừa họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 vào sáng 28/6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo.

22% số xã của cả nước đạt chuẩn NTM

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, đến nay, cả nước đã có 1.965 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 22% tổng số xã của cả nước, tăng gần 5% so với cuối năm 2015; 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng thêm 8 huyện so với cuối năm 2015. Bình quân cả nước đạt 13,0 tiêu chí/xã, tăng 8,3 tiêu chí so với năm 2010 khi bắt đầu thực hiện Chương trình và 3,0 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cố vấn của Chương trình cho biết, đạt được kết quả trên là sự cố gắng nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước còn khó khăn.

Ban Chỉ đạo đặt kế hoạch đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 25% số xã và 30-35 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Trong khi đó, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết sẽ sớm hoàn thiện thẩm định việc thực hiện Chương trình trong năm 2016 vào tháng 7 tới để Bộ NN&PTNT phê duyệt việc thực hiện và làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện. Trong năm 2016, cả nước có thể huy động được khoảng 263.127 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách Trung ương đã bố trí 7.374 tỷ đồng.

Rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí cho cả huyện, xã NTM

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Xây dựng NTM là một giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và đã trở thành phong trào thu hút sự tham gia sâu rộng của người dân.

“Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã tạo ra đột phá lớn trong phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phát huy được dân chủ, vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền và quan trọng hơn là nâng cao đời sống cư dân nông thôn về vật chất và tinh thần”, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình đánh giá.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đưa nội dung thực hiện NTM vào chương trình công tác cho 5 năm tới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi bộ để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình; tập trung rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia NTM cho cả cấp huyện và xã.

Theo đó, Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ Khung khổ của bộ tiêu chí này về số lượng các tiêu chí, làm rõ hơn nội hàm của các tiêu chí, nhất là đối với các tiêu chí “mềm” liên quan tới sinh kế, việc làm, thu nhập và đời sống tinh thần của cư dân nông thôn.

“Đặc biệt là tăng cường thẩm quyền của cấp tỉnh khi xây dựng chất lượng của các tiêu chí để phù hợp với điều kiện của mỗi vùng miền, mỗi địa phương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Đồng thời, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM của giai đoạn trước, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương có biện pháp củng cố, phát huy các giá trị đã đạt được để trở thành NTM kiểu mẫu cho các xã khác tham khảo, thực hiện. Ngoài ra là việc rà soát, hướng dẫn bổ sung lại các quy hoạch về sản xuất, dân cư, hạ tầng… phù hợp với quy hoạch của tỉnh, vùng để NTM không phải là phép cộng cơ học của các tiêu chí.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT phải hoàn thành thẩm định Chương trình này chậm nhất trong nửa đầu tháng 7/2016 để Bộ NN&PTNT phê chuẩn, triển khai thực hiện.

“Không để tình trạng có tiền mà không đầu tư được NTM”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ khác cũng phải hoàn thành việc hướng dẫn thực hiện các tiêu chí liên quan trong thời gian này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu định hướng xây dựng NTM cho giai đoạn 2016-2020 là vừa làm trên diện rộng, nhưng có trọng điểm, tập trung vào những vùng khó khăn như hơn 300 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí và hơn 400 xã biên giới, bãi ngang; tiếp tục nâng bình quân số tiêu chí NTM của các xã trên cả nước.

Nhằm động viên gương điển hình trong xây dựng NTM, Trưởng Ban Chỉ đạo đặt ra yêu cầu tiêu chuẩn thi đua phải cao hơn, tập trung vào những tiêu chí liên quan tới sản xuất (tổ chức sản xuất lại nông nghiệp theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng…), văn hóa, an ninh, xã hội, môi trường…

Về cách thức triển khai Chương trình trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng người dân phải là chủ thể thực hiện và theo quan điểm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.

“Tuyên Quang đã làm theo phương thức này và có hiệu quả rõ rệt: Chỉ sau 5 năm toàn tỉnh đã làm được 2.700 km đường nông thôn. Dân làm không chỉ là đóng tiền, bỏ sức ra, mà quan trọng là tham gia cho ý kiến cả khi lập quy hoạch, chủ trương đầu tư, thiết kế, thi công và giám sát”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các cơ quan liên quan cần thu hút mạnh mẽ hơn người dân ở khu vực thành thị, doanh nghiệp tham gia đóng góp cho Chương trình.

Đối với việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan và đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp hợp lý, không nên xử lý “cào bằng”, mà chỉ xử lý những công trình, dự án có tiêu cực, bảo đảm vừa chấn chỉnh được thực trạng này vừa phát triển được Chương trình.

.

Nguồn: Chinhphu.vn