Không phải tự nhiên các hãng xe đồng loạt công bố giảm giá sâu một số dòng xe lắp ráp trong nước gây “sốc” cho người tiêu dùng. Theo tiết lộ của một số đại lý, động thái này một mặt là để “đẩy” hàng tồn kho, một mặt để tăng doanh số bán hàng và một mặt để “dọn đường” cho dòng xe cùng phiên bản mới nhập khẩu chuẩn bị về.
Mức tiêu thụ các dòng xe lắp ráp trong nước đang giảm mạnh trước “áp lực” thông tin thuế tiêu thụ đặc biệt xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN về mức 0% vào đầu năm 2018, đã dẫn đến tâm lý chờ đợi của khách hàng.
Cùng tâm lý chờ giảm giá, tâm lý “chuộng” xe nhập ngoại hơn xe lắp ráp trong nước (dù cùng như nhau) của người tiêu dùng Việt đã khiến các xe lắp ráp trong nước từ cuối năm 2016 - 2017 hiện nay rất khó tiêu thụ. Mà đã khó tiêu thụ thì phải giảm giá.
Không chỉ thế, việc các hãng ôtô chuẩn bị trình làng phiên bản mới (nhập khẩu nguyên chiếc) khiến cho các xe phiên bản cũ (lắp ráp trong nước) khó tiêu thụ và thậm chí không thể tiêu thụ nếu giá chênh nhau không nhiều. Đây cũng là lý do tại sao Honda CR-V giảm giá sốc đến vài trăm triệu đồng cho phiên bản xe lắp ráp trong nước chỉ trong một tháng, bởi Honda chuẩn bị tung ra dòng CR-V mới 7 chỗ, nhập khẩu nguyên chiếc với mức giá gần như tương đương với dòng CR-V lắp ráp trong nước khi chưa giảm giá (khoảng 1,1 tỷ đồng).
Theo nhận định của những chuyên gia lĩnh vực này, động thái giảm giá sâu của các hãng ôtô tại Việt Nam ở thời điểm này là khá hợp lý, khi tâm lý chờ giảm giá từ lộ trình hội nhập AFTA đang cận kề cộng với áp lực tồn kho, khó tiêu thụ cho dòng xe lắp ráp trong nước đã khiến các hãng quyết định cắt giảm lợi nhuận, “kích” cầu sức mua người tiêu dùng.
Một khi số lượng xe lắp ráp trong nước còn tồn của năm 2017 đã hết, giá xe ôtô có thể sẽ tăng trở lại và nếu có giảm (do thuế nhập khẩu giảm) thì cũng chưa chắc có thể giảm nhiều như hiện nay. Vì thế, nếu ai đang có ý định mua xe vào lúc này, “xuống” tiền ngay để nhận xe về cũng là một lựa chọn hợp lý.