Công nghệ nhận diện khuôn mặt đang đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động giao dịch thương mại và ngăn chặn các mối đe dọa an ninh. Tuy nhiên cũng đang xuất hiện những rủi ro trong vấn đề này và giới chuyên môn đã đưa ra nhiều cảnh báo.
Sự khác biệt lớn nhất giữa khuôn mặt với các dữ liệu sinh trắc học khác như vân tay, là khả năng nhận biết được từ xa. Khuôn mặt còn hiển thị nhiều thông tin mà không chỉ con người, máy móc cũng có thể đọc và nhận biết được.
Theo kết quả nghiên cứu từ Đại học Stanford mới công bố cho thấy, các thuật toán có thể nhận biết giới tính con người với độ chính xác lên tới 81% chỉ qua một bức ảnh. Và việc này khiến giới chuyên môn lo ngại về việc lạm dụng phần mềm phát hiện khuôn mặt để vi phạm quyền riêng tư hoặc để chống một nhóm thiểu số trong xã hội.
"Vấn đề nằm ở chỗ khuôn mặt là thứ định danh duy nhất. Nó có tiềm năng liên kết các thông tin và những điều tồn tại về bạn trong thế giới này. Có một kịch bản mà tôi sợ sẽ xảy ra, đó là bạn không còn sự riêng tư ở nơi công cộng nữa. Khi bạn đi trên đường, ai đó chỉ cần quét mặt là có thể tìm ra những thông tin ngẫu nhiên về bạn và bạn không có cách nào kiểm soát điều đó", bà Frederike Kaltheuner thuộc Tổ chức vì quyền riêng tư Privacy International cảnh báo.
Apple công bố bằng sáng chế công nghệ nhận diện khuôn mặt 3D. |
Bà Angela Merkel có thể không xa lạ với nhiều người, nhưng với những ai không biết nữ Thủ tướng Đức, họ chỉ cần dùng một phần mềm trên điện thoại như Blippar (có thể nhận biết gương mặt của 370.000 nhân vật công chúng) là dễ dàng có được những thông tin cần thiết.
Theo giới truyền thông, Apple không phải là hãng công nghệ đầu tiên đưa việc nhận diện khuôn mặt vào tính năng bảo mật. Bởi theo hãng Apple, khác với dấu vân tay, việc tìm được một khuôn mặt với những đường nét giống nhau đến mức có thể đánh lừa máy móc là 1/1 triệu - tỉ lệ vô cùng hiếm hoi. Và vì ưu điểm này, nên tính năng nhận diện khuôn mặt đang trở thành một xu hướng mới của các sản phẩm công nghệ.
Việc Apple bổ sung tính nhận diện khuôn mặt vào dòng iPhone phổ thông phần nào cho thấy xu hướng tất yếu trong việc sử dụng khuôn mặt làm một loại mật mã mới, đồng bộ hóa để tương tác, mua sắm, hay thậm chí là điều khiển máy móc, thiết bị trong tương lai gần.
Theo giới truyền thông, phần mềm nhận diện khuôn mặt dựa trên cổng hồng ngoại (IR), Windows Hello của Microsoft đã có mặt trên dòng máy tính Surface cũng như một số máy tính chạy Windows 10 từ các nhà sản xuất khác. 4 năm trước (2013-2017), Google từng quyết định tăng bảo mật tính năng nhận diện khuôn mặt, thể hiện qua việc yêu cầu người dùng thực hiện một số động tác phức tạp như thè lưỡi, nhăn mũi, cười hở miệng hay nhíu lông mày.
Giới công nghệ cũng từng xôn xao vì phần mềm FindFace của Nga thể hiện khả năng nhận diện khuôn mặt có độ chính xác 70% bằng việc so sánh một tấm hình chụp ngẫu nhiên với hình ảnh trên một mạng xã hội ở nước này. Thương hiệu gà rán KFC cũng vừa giới thiệu một hình thức thanh toán mới tại Trung Quốc - thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt có tên "Smile to Pay".
Người dùng chỉ cần nhìn vào webcam 3D và thông tin cũng như tài khoản Alipay của họ lập tức hoạt động. Đây là lần đầu tiên trên thế giới công nghệ nhận dạng khuôn mặt được ứng dụng cho hoạt động giao dịch thương mại. Được biết, các cây ATM tại 3 chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) ở thành phố Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, đã bắt đầu được ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để thay thế thẻ ngân hàng trong mỗi giao dịch rút tiền hoặc gửi tiền.
Bên cạnh ABC, China Merchants Bank và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cũng đã tích hợp công nghệ này vào mạng lưới ATM. Với công nghệ mới, tất cả những gì khách hàng phải làm là ấn nút kích hoạt hệ thống nhận dạng khuôn mặt, quét khuôn mặt thông qua camera, nhập số điện thoại di động hoặc số thẻ căn cước (ID), nhập số tiền cần giao dịch và mật khẩu.
Theo ABC, công nghệ này (có độ an toàn cao bởi yêu cầu số ID hoặc số điện thoại và mật khẩu) có thể loại trừ nguy cơ sao chép trái phép thông tin thẻ cũng như khả năng ATM nuốt thẻ, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Nhận diện khuôn mặt đã được sử dụng trong hệ thống an ninh tại Nhật Bản, nhằm giúp cảnh sát theo dõi và phát hiện các đối tượng nằm trong danh sách khủng bố. Cuối tháng 8, cảnh sát Đức đã lắp camera nhận dạng khuôn mặt ở sân bay Berlin để giúp phát hiện các đối tượng trong danh sách bị theo dõi và tình nghi khủng bố. Sân bay Changi của Singapore dự kiến áp dụng công nghệ này tại ga mới được khánh thành vào cuối tháng 10. Australia cũng đang đầu tư cho công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại tất cả sân bay quốc tế của nước này. |