Asus Zenfone 5 có hai phiên bản tên mã A500 và A501 khác nhau về bộ vi xử lý, RAM, bộ nhớ trong và tất nhiên cả giá bán nữa. Ngoài các chi tiết này thì các thông số còn lại của hai phiên bản đều giống nhau.
Phiên bản Zenfone 5 A500 (bên trái) và A501 (bên phải)
Hai chiếc Zenfone 5 chúng tôi có trên tay là phiên bản Zenfone A500 và Zenfone A501. Cả hai đều là hàng xách tay do hệ thống Hoàng Hà Mobile nhập về, hiện được bán giá 3,25 triệu đồng với bản A501 và 3,99 triệu đồng với bản A500 có bộ nhớ trong 16GB. Cấu hình của hai phiên bản này khác nhau ở 4 chi tiết: bộ vi xử lý, RAM, bộ nhớ trong và giá bán (xem bảng so sánh phía dưới).
Mức giá xách tay trong bảng trên là biểu giá của Hoàng Hà Mobile ngày 11/6/2014
Với hàng chính hãng, hiện mới chỉ có phiên bản Zenfone 5 A501 nhưng được nâng RAM lên 2GB và bắt đầu bán ở Việt Nam từ hôm qua (10/6). Asus hiện chưa đưa ra thông tin nào về kế hoạch bán phiên bản Zenfone 5 A500 chính hãng tại Việt Nam và theo thông tin từ một số cửa hàng thì người tiêu dùng có thể sẽ phải đợi khá lâu.
VnReview đã có bài trên tay phiên bản Zenfone 5 A501 nêu đánh giá sơ bộ về thiết kế, màn hình, camera, phần mềm và hiệu năng. Do hai máy chỉ khác nhau về hiệu năng xử lý và dung lượng bộ nhớ nên bài viết này sẽ chỉ tập trung so sánh sơ bộ về 2 yếu tố là trải nghiệm hiệu năng và thời gian pin.
So sánh hiệu năng
Hai phiên bản Zenfone 5 có sự khác biệt khá nhiều về cấu hình, do vậy khi sử dụng các ứng dụng đánh giá hiệu năng thì hai máy cũng cho kết quả chênh lệch. Khi sử dụng 4 ứng dụng phổ biến trên hệ điều hành Android là Antutu, Quadrant (đo sức mạnh tổng thể) và GFXBench, 3DMark (đo sức mạnh đồ họa), chúng tôi nhận thấy kết quả giữa hai phiên bản này chênh lệch rõ rệt từ 12% đến 27%.
Điểm số và tỉ lệ chênh lệch giữa hai phiên bản khi sử dụng các phần mềm đánh giá hiệu năng
Trong trải nghiệm thực tế, nếu không có hai phiên bản cùng lúc để so sánh thì người dùng sẽ khó nhận ra sự khác biệt. Khi sử dụng sau thời gian dài, phiên bản có RAM 2GB sẽ cho trải nghiệm tốt hơn vì dung lượng RAM còn trống cao hơn, như vậy người dùng Zenfone 5 chính hãng có thể yên tâm. Với các tác vụ đơn giản như bật menu, mở cài đặt hay lướt tay trong trình duyệt thì hiệu năng của hai phiên bản không có gì khác biệt, kể cả khi so sánh trực tiếp.
Lợi thế về vi xử lý tốc độ cao của phiên bản A500 chỉ thể hiện rõ ràng khi bạn mở các game. Với vi xử lý tốc độ cao hơn, thời gian mở game cũng như tải các màn trong trò chơi ở A500 đều ngắn hơn A501. Điều này có thể thấy rõ trong video so sánh hiệu năng của chúng tôi. Khi bắt đầu chơi game thì sự khác biệt về hiệu năng giữa hai phiên bản không thể hiện rõ rệt.
Thời gian pin
Cả máy đều có pin dung lượng bằng nhau (2.110 mAh) nhưng do có những khác biệt về sức mạnh xử lý nên thời gian pin của hai sản phẩm có sự chênh lệch, đặc biệt là ở hoạt động xem phim.
Trong bài đo thời gian pin tiêu chuẩn với hoạt động xem phim HD (độ sáng và âm lượng ở mức 70%) và chơi game giả lập ở độ sáng 100% và tốc độ khung hình cao (60 fps), hai phiên bản có kết quả tương đương nhau ở hoạt động chơi game giả lập nhưng phiên bản Zenfone 5 A500 thể hiện tốt hơn ở hoạt động xem phim. Với hoạt động gọi điện, cả hai phiên bản đều có kết quả ấn tượng. Chiếc Zenfone 5 A501 gọi được liên tục 16 giờ 12 phút từ khi đầy đến khi còn 10% pin, trong khi chiếc Zenfone 5 A500 gọi được 5 giờ 30 phút mới hết có 32% pin.
Khi thử nghiệm trong thực tế với hoạt động xem phim ca nhạc trên YouTube, chơi game Temple Run 2 và lướt web trên mạng Wi-Fi (mỗi hoạt động 30 phút trong điều kiện độ sáng 70%, âm lượng bật 70% khi xem YouTube và chơi game), hai phiên bản có kết quả khá tương đồng, trong đó phiên bản Zenfone 5 A500 có thời gian pin tốt hơn một chút ở hoạt động lướt web và xem phim trên YouTube (xem bảng phía dưới).
Màn hình
Ngoài hiệu năng và thời gian pin, chúng tôi cũng đã đo chất lượng màn hình của 2 phiên bản. Kết quả cho thấy các thông số về độ sáng tối đa, độ đen, độ tương phản, nhiệt màu và độ chính xác màu của hai sản phẩm chênh lệch không đáng kể (xem bảng phía dưới).
Bảng so sánh đo màn hình của hai phiên bản Zenfone 5 (A500 và A501)
Khả năng hiển thị các màu cơ bản của phiên bản A501 (đo ở độ sáng 200 nits): Phía dưới là màu tiêu chuẩn và phía trên là màu máy hiển thị.
Khả năng hiển thị các màu cơ bản của phiên bản A500 (đo ở độ sáng 200 nits): Phía dưới là màu tiêu chuẩn và phía trên là màu máy hiển thị.
Tuy nhiên khi nhìn bằng mắt thường, màn hình của phiên bản Zenfone 5 A500 hiển thị trông tươi sáng hơn so với phiên bản A501. Sự chênh lệch này có thể là do màn hình của 2 phiên bản được tinh chỉnh khác nhau.
Màn hình Zenfone 5 A500 (bên trái) và A501 (bên phải)
Tóm lại, bộ vi xử lý và RAM lớn hơn trên phiên bản Zenfone 5 A500 đã mang lại trải nghiệm nhanh nhẹn hơn so với phiên bản A501, đặc biệt là tốc độ mở các ứng dụng như máy ảnh và các game nặng. Thời gian pin của phiên bản A500 cũng nhỉnh hơn một chút ở hoạt động xem phim HD, lướt web và xem phim trên YouTube. Các yếu tố còn lại như thiết kế, màn hình và phần mềm trên hai phiên bản đều tương đồng.
Như vậy, nếu bạn có dự định mua Zenfone 5 hàng xách tay và quan tâm đến hiệu năng, nhất là có nhu cầu chơi game và chụp ảnh nhiều thì nên chọn phiên bản Zenfone 5 A500. Ngược lại nếu nhu cầu chủ yếu là sử dụng các tác vụ đơn giản và chấp nhận hiệu năng chậm hơn một chút thì phiên bản A501 sẽ có giá rẻ hơn khá nhiều.