(Congannghean.vn)-Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 5496/QĐ-UBND.CN ngày 24/11/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương.
Có thể nói, trong 5 năm qua, Chương trình đã được triển khai đồng bộ và thực hiện nhiều nội dung khác nhau, từ việc nâng cao nhận thức, đưa nội dung tiết kiệm năng lượng vào chương trình giáo dục và đào tạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến các địa phương về lợi ích và các giải pháp tiết kiệm năng lượng đến việc hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình sử dụng năng lượng, sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao trong công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng, trong các công trình xây dựng, công trình công cộng và lĩnh vực giao thông vận tải.
Hội thi tiết kiệm năng lượng trong trường học giúp học sinh nâng cao ý thức trong việc sử dụng các thiết bị điện |
Riêng trong giai đoan 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, văn bản cũng như thành lập ban chỉ đạo; đồng thời tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, doanh nghiệp sử dụng năng lượng lớn nghiêm túc chấp hành quy định của Nhà nước về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thuộc Sở Công Thương Nghệ An đã phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực đẩy mạnh, triển khai thực hiện tốt các nội dung Chương trình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có sức lan tỏa sâu rộng như phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải nhiều chuyên đề, tin, bài tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã tổ chức hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất hàng năm; tổ chức các cuộc phát động phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hội thi Tiết kiệm năng lượng trong ngành Công Thương; hàng chục Hội thi Tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình tại các phường, xã; Hội thi "Tiết kiệm năng lượng trong trường học" trên địa bàn các huyện, thành, thị; tập huấn kiến thức về năng lượng, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho cán bộ phường, xã, hội viên các hội và hộ gia đình... Tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ gia đình sử dụng năng lượng tái tạo, lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng trong gia đình như: Lắp bình nước nóng năng lượng mặt trời, điện năng lượng mặt trời mái nhà, sử dụng hầm bể Biogas... Tính đến tháng 10/2020, trên toàn tỉnh có 540 chủ đầu tư lắp điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 13.698 kWp, phát lên lưới 2.415.608 kWh. Đặc biệt, Chương trình đã hỗ trợ nhiều trường học xây dựng và lắp đặt hệ thống phòng học đạt ánh sáng tiêu chuẩn, giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà và cơ quan, công sở, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, hoạt động giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp... cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mặc dù nhận thức về chương trình đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, nguồn kinh phí dành cho Chương trình còn quá ít; chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng vẫn còn lãng phí, nhất là trong một số cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, chiếu sáng công cộng, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ quảng cáo. Đặc biệt, một bộ phận người dân chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng; một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Nghệ An đã đặt ra những mục tiêu cụ thể để thực hiện. Theo đó, phấn đấu tiết kiệm từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp của chương trình; 100% các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình tại địa phương; phổ biến mô hình điện mặt trời áp mái cho các cơ quan, công sở, trường học trên địa bàn tỉnh...