Kinh tế xã hội
Kiểm tra việc đào ao nuôi tôm trái phép tại xã Quỳnh Lập
08:42, 09/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trước thực trạng một số người dân tự ý đào ao nuôi tôm trái phép tại xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, ngày 4/11/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký Công văn số 3909/QĐ-UBND về việc thành lập tổ công tác liên ngành của tỉnh để kiểm tra, rà soát vụ việc một số người dân đào ao nuôi tôm trái phép tại xã Quỳnh Lập. Tổ công tác do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Ban quản lý KKT Đông Nam, Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh và Thanh tra tỉnh cùng tham gia. Trong thời gian 45 ngày, đoàn có nhiệm vụ làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan để yêu cầu cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Hồ tôm được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Quỳnh Lập |
Trước đó, vào giữa tháng 7/2020, một số hộ dân ở xóm Tân Minh, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai gửi đơn lên Chủ tịch UBND tỉnh và thị xã phản ánh về việc đầm tôm của doanh nghiệp Lê Duy Khánh và một số chủ đầm tôm khác làm ao nuôi tôm công nghiệp nhưng không có hệ thống xử lý nước thải và xả thải trực tiếp ra bãi biển xóm Tân Minh, gây ô nhiễm nặng. Sự việc xảy ra từ năm 2017, kéo dài không được xử lý dứt điểm khiến người dân vô cùng bức xúc. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại nuôi tôm nhưng không đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy chuẩn, dẫn đến nước thải chảy ra khe Hóc rồi chảy xuống bãi biển Đông Hồi trong tình trạng màu đen kịt, luôn bốc mùi hôi thối cả một vùng, khiến cho việc kinh doanh và sinh hoạt của người dân gần đó bị đảo lộn.
Sau khi có phản ánh, Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An đã có văn bản đề nghị UBND TX Hoàng Mai chỉ đạo các phòng, ban liên quan kiểm tra, xác minh phản ánh nêu trên để có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm tình trạng ô nhiễm này. Tuy nhiên, TX Hoàng Mai vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Theo lãnh đạo địa phương, những năm gần đây, người dân đã đầu tư khai hoang mở rộng diện tích ao, đầm để nuôi tôm mặn lợ. Các vùng nuôi tôm không theo quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch, khiến cho môi trường bị ảnh hưởng, thậm chí ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, tại xã Quỳnh Lập, chỉ trong 1 năm, người dân ồ ạt chuyển hàng trăm ha đất đồi ven biển, thậm chí có doanh nghiệp còn thuê mượn mặt bằng Khu công nghiệp Đông Hồi sát biển, đầu tư hàng tỉ đồng để cải tạo thành ao nuôi tôm công nghiệp. Các vi phạm trên, sau khi được người dân phản ánh, xã và huyện đều kiểm tra, lập biên bản đình chỉ nhưng người dân vẫn lợi dụng sơ hở cải tạo ao, đầm để nuôi.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, nhằm phát triển nghề nuôi tôm, từ năm 2000, tỉnh đã quy hoạch các vùng nuôi lớn ở các địa phương Quỳnh Bảng, Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu); Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân, Quỳnh Liên, Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai); Diễn Trung, Diễn Kim (Diễn Châu), Nghi Hợp, Nghi Khánh (Nghi Lộc) và Hưng Hòa (TP Vinh), sau đó đầu tư hạ tầng cấp nước. Tuy nhiên, cùng với thời gian, do thiếu quản lý giảm sát và một phần kinh phí còn hạn hẹp nên thay vì đầu tư hạ tầng đồng bộ, bài bản, các chủ đầu tư chỉ đầu tư một phần hạ tầng, sau đó xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm. Cùng với đó, nhiều địa phương người dân nuôi tôm tự phát, mạnh ai nấy làm. Người dân chỉ thấy lợi trước mắt nên bất chấp quy định của Nhà nước, liên tục khai hoang mở rộng diện tích ao, đầm để nuôi tôm mặn lợ, trong đó điển hình là tại xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai.
Trước thực trạng trên, các địa phương cần phải đánh giá, rà soát lại quy hoạch, quản lý chặt chẽ các vùng nuôi tôm; khu vực nào không được phép chuyển đổi nuôi tôm thì phải giữ nguyên; các vi phạm, chuyển đổi đất trái phép phải được xử lý cương quyết và triệt để hơn. Về lâu dài, tỉnh cần sớm rà soát, đánh giá lại quy hoạch các khu vực nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn để có điều chỉnh, đầu tư hạ tầng cho phù hợp với thực tế hiện nay.
THIỆN THÀNH