Kinh tế xã hội

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

20:50, 30/10/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp có vai trò to lớn đến thay đổi diện mạo của nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân. Từ thực tiễn triển khai tại Nghệ An cho thấy, các địa phương đã xác định rõ nhiệm vụ phát triển gắn với thế mạnh của vùng, miền.
Các chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp góp phần                             tạo động lực cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp
Các chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp góp phần tạo động lực cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013 - 2020. 
 
Trên thực tế, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; đồng thời, chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ, nhất là việc nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin, dịch vụ.
 
Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, vai trò của tái cơ cấu nông nghiệp Nghệ An càng quan trọng, nhất là khi ứng dụng công nghệ ngày càng trở nên phổ biến và rõ rệt. Kết thúc năm 2019, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Nghệ An vẫn chiếm 19 - 20% tỉ trọng GDP tỉnh nhà. Trên bình diện chung Nghệ An vẫn là tỉnh nông nghiệp, vẫn còn tới 42% lao động nông nghiệp và hơn 85% cư dân sống ở nông thôn. Tiềm năng để Nghệ An phát triển nông nghiệp và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất vẫn còn rất lớn với diện tích đất nông nghiệp hơn 1,46 triệu ha và 82 km bờ biển.
 
Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và các địa phương, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp Nghệ An đã có những chuyển biến rõ rệt. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân (2015 - 2019) đạt 4,73%. Năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích tăng nhanh; sản lượng lương thực cây có hạt bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt trên 1,2 triệu tấn (mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII trên 1,1 triệu tấn); trong đó lúa chất lượng cao chiếm 45 - 50%. Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Nghệ An là địa phương được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2018”.
 
Đặc biệt nhất là bức tranh nông nghiệp Nghệ An đã thực sự tươi mới, có sự thay đổi từ nhận thức, tư duy đến quy mô và chất lượng. Bằng sự huy động và hỗ trợ tích cực của ngành, người nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Giai đoạn 2016 - 2020 Nghệ An đã thu hút được 39 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng mức đầu tư 3.757 tỉ đồng. 
 
Hiện, tái cơ cấu nông nghiệp Nghệ An mới chỉ là bước đầu, trong khi đó là một quá trình lâu dài và bền vững. Mặc dù cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có bước chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; thị trường nông sản trong và ngoài nước có nhiều biến động. Vì thế, thời gian tới, quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp Nghệ An phải được gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên quy mô lớn và theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tránh đầu tư dàn trải mà cần chủ động lựa chọn ngành hàng, sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương để lập quy hoạch phát triển ngành hàng và tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
 
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của các hợp tác xã cũng rất quan trọng. Chính các hợp tác xã sẽ tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Vì thế, cần hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã liên doanh, liên kết, từ đó, giúp các cá thể thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

TUỆ TRANG

Các tin khác