Kinh tế xã hội

Nghệ An tạo chuyển biến từ nâng cao chất lượng cán bộ

15:08, 28/10/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, bằng nhiều giải pháp của các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cao về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi mới từ thực tiễn, việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, quản lý cán bộ càng đặt ra những thách thức mới cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp góp phần nâng cao hiệu quả                    chất lượng công tác cán bộ
Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng công tác cán bộ
Đảng ta luôn xác định công tác tổ chức, cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, coi công tác cán bộ là khâu "then chốt " của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị. Nghệ An có nhiều đặc điểm riêng biệt so với nhiều địa phương khác trong cả nước: Diện tích rộng, dân số đông, số đơn vị hành chính nhiều. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thì có sự khác biệt về vùng miền, điều kiện kinh tế - xã  hội. 
 
Bám sát các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ đặc biệt là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX “về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nghệ An đã xây dựng và ban hành các văn bản triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương: Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 65 về ban hành quy định một số chính sách đối với nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, hành chính Nhà nước, sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở tỉnh Nghệ An; Quyết định số 57 về Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An… 
 
Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp”. Đồng thời, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm từng tháng, từng quý, thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vấn đề phát sinh.
 
Hàng năm, Sở Nội vụ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tuyển dụng, sử dụng, sắp xếp, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng công chức phù hợp với bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, hằng năm tỉnh đều tổ chức đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị theo kế hoạch đã xây dựng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Nghệ An là trên 56.000 người. Trong đó, công chức trong các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện là trên 3.200 người; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp là trên 52.500 người. Chất lượng đã được nâng lên, chuyển biến để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
 
Thực tế hiện nay, trong đội ngũ cán bộ hành chính đang có tình trạng "đông nhưng không mạnh". Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương đã được cải thiện song vẫn còn có nơi, qua công tác thanh, kiểm tra còn có những tồn tại. Vì vậy, để nâng cao chất lượng và phát triển nhân lực hành chính Nhà nước, cần nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Cán bộ phải được đào tạo về trình độ chuyên môn, trình độ chính trị và kỹ năng phương pháp nâng cao chất lượng công tác, xử lý tình huống trên thực tế.
 
Qua đó, biến quá trình đào tạo cán bộ thành tự đào tạo và đào tạo suốt đời. Mặt khác, phải thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra, trong đó, những ý kiến, phản hồi của người dân với từng cán bộ, công chức cũng sẽ là một kênh tham khảo quan trọng để công tác cán bộ được công bằng, dân chủ. Qua đó, cũng tạo động lực cho mỗi cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ. Đồng thời, thực hiện nghiêm phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

TUỆ TRANG

Các tin khác