Kinh tế xã hội

Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội

09:25, 31/10/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, chương trình tín dụng chính sách có nhiều đóng góp quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. 
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn tạo điều kiện                         để người dân tiếp cận kịp thời nguồn vốn chính sách
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn tạo điều kiện để người dân tiếp cận kịp thời nguồn vốn chính sách
Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thời gian qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước; tạo “cú hích” quan trọng để họ vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Đến ngày 30/9/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 9.038 tỉ đồng, tăng 662 tỉ đồng so với năm 2019, đạt tốc độ tăng trưởng 7,9%. Doanh số cho vay 9 tháng đạt 2.356,7 tỉ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các chương trình có doanh số giải ngân lớn như: Cho vay hộ cận nghèo đạt 730 tỉ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 517 tỉ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 300 tỉ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 290 tỉ đồng;  cho vay tạo việc làm và hỗ trợ việc làm đạt 99 tỉ đồng; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đạt 44,2 tỉ đồng; cho vay nhà ở xã hội đạt 38 tỉ đồng. 
 
Có 4 chương trình có doanh số giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh sinh viên, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và cho vay hỗ trợ vốn các Hợp tác xã TP Vinh. 9 tháng đầu năm, doanh số thu nợ đạt 1.754 tỉ đồng, chiếm 74,4% doanh số cho vay; góp phần quan trọng tạo nguồn vốn cho vay quay vòng ổn định, chủ động tại địa phương, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong điều kiện nguồn vốn cấp từ Trung ương gặp khó khăn. Đến ngày 30/9/2020, tổng dư nợ đạt gần 8.961 tỉ đồng. Trong 19 chương trình đang thực hiện, có 12/19 chương trình có tăng trưởng dư nợ so với đầu năm, một số chương trình tăng lớn như: Cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay tạo việc làm... Chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng lên, nợ quá hạn và nợ khoanh giảm mạnh so với đầu năm.
 
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, hiện có nhiều nguồn vốn tín dụng, nhưng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất  ưu đãi cho chính sách an sinh xã hội hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn là nguồn vốn có đóng góp quan trọng, mang tính quyết định đối với công tác xóa đói, giảm nghèo trong những năm qua. Vốn vay chính sách không chỉ giúp nhiều người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo để giải quyết nỗi lo thiếu đói thiếu mặc mà đáng mừng hơn cả là nhiều hộ đã biết hướng tới việc cho con thoát nghèo bền vững bằng tri thức thông qua nguồn vốn vay chương trình học sinh, sinh viên; qua đó góp phần tạo việc làm, thu nhập cho con em họ sau khi ra trường. 9 tháng đầu năm, có 57.674 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi. Thời điểm đầu năm, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, song sang quý III, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tranh thủ tốt nguồn vốn từ Trung ương, đẩy nhanh giải ngân các chương trình nhằm đáp ứng nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để người dân sớm ổn định cuộc sống.
 
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nghiên cứu xây dựng Đề án cho vay đối với người lao động thuộc diện hộ mới thoát nghèo đi lao động nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách địa phương trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, tiếp tục bám sát, tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng các chương trình. Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tăng cường kiểm tra chuyên đề và giám sát từ xa nhằm phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện... Qua đó góp phần khẳng định vai trò và sứ mệnh của một mô hình quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo, duy nhất của Việt Nam huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị xã hội tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Thùy Dương

Các tin khác