Thứ Bảy, 14/11/2020, 09:24 [GMT+7]

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng kinh tế - xã hội phát triển

(Congannghean.vn)-Một trong ba mũi “đột phá” mà Nghệ An xác định thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 là tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực tiễn tại Nghệ An cho thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần tạo nền tảng quan trọng để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.

Với sự đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị tại Nghệ An ngày một khởi sắc
Với sự đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị tại Nghệ An ngày một khởi sắc
Kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Nghệ An đã huy động đa dạng các nguồn vốn để tập trung đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, vững chắc. Các nguồn vốn đầu tư đa dạng, từ nguồn vốn của Trung ương, ngân sách địa phương, doanh nghiệp, vốn của người dân. Trên địa bàn tỉnh, vốn đầu tư công được sử dụng ngày càng hiệu quả, từng bước khắc phục dàn trải, tập trung vào các công trình quan trọng, thiết yếu như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá, tính đến 15/10/2020 đạt 68,11% kế hoạch tỉnh giao và đạt 68,37% kế hoạch đã được giao chi tiết; trong đó, nguồn đầu tư tập trung năm 2020 đạt 72,28% kế hoạch tỉnh giao và đạt 72,51% kế hoạch tỉnh đã giao chi tiết (riêng đối với ngân sách Trung ương giải ngân đạt 70,73% so với kế hoạch giao và đạt 60,95% kế hoạch tỉnh đã giao).
 
Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu là ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn với mạng lưới hạ tầng giao thông. Với gần 14.000 km đường giao thông được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 5 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Nghệ An đã được đầu tư đồng bộ và từng bước hoàn thiện.
 
Thời gian qua, với việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư, nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Yên Xuân qua sông Lam; 2 cầu vượt đường sắt; đường Tây Nghệ An giai đoạn 2 (QL16), Châu Thôn - Tân Xuân (giai đoạn 2); đường nối QL1 - Hoàng Mai - Thái Hòa (QL48D), đường nối đường N5 - Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) (QL7C), cầu Hiếu 2, 111 cầu dân sinh; các bến xe Bắc Vinh, Miền Trung, phía Đông TP Vinh... Nhiều công trình trọng điểm, quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng tạo động lực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đang tập trung tiến hành kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An, cầu Cửa Hội, đường ven biển, đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền...  
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng về điện, nước, thương mại, đô thị, bưu chính viễn thông ngày một hiện đại hơn. Theo đó, hạ tầng đô thị được xây dựng, cải tạo, nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại; hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ nâng cao năng lực phục vụ sản xuất; hệ thống cung cấp nước sạch được quan tâm đầu tư; hạ tầng cung cấp điện được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp bảo đảm phục vụ tốt các hoạt động trên địa bàn; hạ tầng thương mại ngày càng phát triển và hoàn thiện, bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, đời sống; hạ tầng bưu chính, viễn thông được đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại.
 
Xác định CNTT là chìa khóa tạo đột phá cho cải cách hành chính nói riêng và mục tiêu phát triển KT-XH nói chung, Nghệ An đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác cùng phát triển hạ tầng mạng viễn thông CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Việc đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động từ đầu tháng 10/2020 được hy vọng sẽ góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC, qua đó tạo lập môi trường làm việc thống nhất, thuận tiện, văn minh, hiện đại; tích hợp được các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; tiếp nhận trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, cũng như xử lý kịp thời những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, cá nhân, tổ chức.
 
Sự chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng đô thị cũng là điểm sáng của Nghệ An trong nhiều năm trở lại đây. TP Vinh được định hướng trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá vùng Bắc Trung Bộ cũng được đầu tư nhiều công trình lớn về giao thông. Các trung tâm mua sắm được đầu tư và ngày càng phát triển mạnh như: Siêu thị Big C Vinh, CK plaza, nay đã có thêm Mega market (Thái Lan), Trần Anh, HC, Vinh Center, City Hub, VRC...; đã hình thành các phố mua sắm và ẩm thực tại trung tâm TP Vinh và TX Cửa Lò. TP Vinh hiện đã thu hút được nhiều dự án, của nhiều nhà đầu tư như Tập đoàn VNPT, BRG, TH, Ecopark, Euro Window, Công ty Vietravel, TECCO, Handico, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc… Sự đầu tư của các cấp chính quyền và phía doanh nghiệp tạo nền tảng để Vinh vươn mình, khẳng định vai trò, vị trí so với các đô thị lớn khác, để cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh”, trở thành một trong những đô thị biển của Việt Nam; là nơi giao thoa kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An.
 
Bên cạnh đó, các khu vui chơi giải trí, văn hoá, thể thao ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; các tuyến phố đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực được hình thành… Không chỉ thành Vinh, các địa phương khác cũng đã chủ động nắm bắt, thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng nên diện mạo ngày một khang trang, hiện đại hơn.
 
Trong thời gian tới, với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, đồng bộ, Nghệ An tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong đó, vừa đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, vừa thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới… Từ đó, góp phần chuyển dịch, tái cơ cấu nền kinh tế.
.

TUỆ TRANG - NHƯ BIỂN

.