Thứ Ba, 13/10/2020, 07:39 [GMT+7]

Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời với thiên tai

(Congannghean.vn)-Là tỉnh nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, những năm qua, Nghệ An luôn cố gắng chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất thực hiện tốt công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết, việc nâng cao ý thức cảnh giác, đồng lòng từ các cấp, ngành và người dân rất quan trọng, nhất là phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng, chống và ứng phó với mưa bão, góp phần hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mưa lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân
Mưa lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân
Tình hình thiên tai ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, tại Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc kèm theo sét, mưa đá, động đất, mưa lớn có xu hướng gia tăng cả về tần suất và mức độ khốc liệt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Dự báo, mùa mưa, bão đến muộn vào cuối năm, khả năng xuất hiện khoảng từ 7 đến 9 cơn bão, trong đó khoảng từ 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; nguy cơ mưa lũ lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung; lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Những ngày qua, tình hình mưa bão ở miền Trung diễn biến rất phức tạp và khó lường. Lượng mưa lớn, trong khi lũ lên bất thường. Nghệ An cũng chịu ảnh hưởng nhiều, ngay những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2020, mưa lớn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. 
 
Hàng năm, trước những diễn biến bất thường của thiên tai cũng như tình hình thực tế, chính quyền Nghệ An đã chấp hành nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai triển khai ngay và có hiệu quả các phương án; thực hiện trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, công tác chỉ đạo thu hoạch mùa màng trước bão và vận hành tiêu úng được thực hiện kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tốt phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện tại chỗ và Hậu cần tại chỗ”; chủ động rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất.
 
Đồng thời, tổ chức tập huấn, huấn luyện, nâng cao năng lực sử dụng trang bị hiện có cho cán bộ, chiến sĩ; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương khảo sát địa hình, nhất là các vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai, từ đó, chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn, phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng. Căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được phân công, các cơ quan đơn vị, đặc biệt là đơn vị lực lượng Quân sự, Biên phòng, Công an và các lực lượng liên quan đều có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp tham gia ứng cứu kịp thời di dời dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn. Đồng thời, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Bên cạnh đó, Nghệ An đã đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai và trong hoạt động ứng phó sự cố thiên tai với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa và các huyện biên giới nước bạn Lào ở thượng nguồn sông Cả. Mặt khác, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. 
 
Với phương châm công tác phòng, chống thiên tai phải dựa vào nhân dân, chính quyền cơ sở, trong đó phòng ngừa là chính, Nghệ An thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Đồng thời, phát huy tính chủ động của chính quyền cơ sở để nắm chắc tình hình, sẵn sàng có phương án trước diễn biến của mưa bão.
Trong năm 2019, tại Nghệ An, thiên tai đã làm chết 9 người, bị thương 10 người. Ngoài ra, còn gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, vật chất, cơ sở hạ tầng thiết yếu khác... Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 811,55 tỉ đồng. Trên biển đã xảy ra 51 vụ tai nạn, sự cố tàu biển làm chết 12 người, mất tích 6 người, bị thương 20 người, hư hỏng 30 phương tiện, chìm 5 phương tiện, cháy 3 phương tiện.

 

.

TUỆ TRANG

.