Thứ Ba, 29/09/2020, 07:31 [GMT+7]

Kịch bản nào cho du lịch Nghệ An hậu 'COVID-19'

(Congannghean.vn)-Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các thành phần kinh tế,  các lĩnh vực sản xuất. Trong đó, du lịch được xem là ngành chịu tác động nặng nề nhất. Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An đã chủ động chuyển mình mạnh mẽ để phục hồi, phát triển ngành “công nghiệp không khói” với nỗ lực và quyết tâm cao nhất.
Trong thời điểm dịch Covid-19 các cơ sở, trường đào tạo tập trung                      đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn
Trong thời điểm dịch Covid-19, các cơ sở, trường đào tạo tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn
 
Du lịch và giao thông vận tải được xem là hai ngành chịu nhiều tác động nhất của dịch COVID-19. Do bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp, vừa và nhỏ rơi vào cảnh kiệt quệ, không còn khả năng tồn tại còn các doanh nghiệp lớn chỉ giữ lại rất ít lao động chủ chốt và đối diện với nguy cơ phá sản. 
 
Xác định rõ những khó khăn bủa vây, trong thời gian qua, một mặt, Nghệ An vừa tăng cường đẩy mạnh phòng, chống dịch, vừa chủ động triển khai các giải pháp để kích cầu du lịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp du lịch và du khách đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách khi tham gia các chương trình du lịch. Để khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, Nghệ An đã và đang triển khai một loạt giải pháp để “kích hoạt lại” du lịch tỉnh nhà. Vào đầu tháng 6/2020, Sở Du lịch Nghệ An đã khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về du lịch giữa Nghệ An - Tây Nguyên;  ký kết thỏa thuận hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với hãng hàng không như Vietjet Air (giai đoạn 2020 - 2025).
 
Phối hợp với Vietnam Airlines khai trương mới đường bay Vinh - Đà Lạt, Vinh - Buôn Ma Thuột, Vinh - Nha Trang, Vinh - Cần Thơ, Vinh - Phú Quốc để thu hút khách nội địa đến Nghệ An. Và mới đây, nhằm gỡ khó và phát huy cho du lịch trong liên kết vùng, từ ngày 10 - 13/7, Đoàn công tác Sở Du lịch Nghệ An đã tổ chức khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa Nghệ An và các tỉnh Bắc - Nam Trung Bộ, tích cực quảng bá các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, đặc biệt là Chương trình “Du lịch về nguồn”, “Hành trình về quê Bác”, tạo được dấu ấn và sự quan tâm của người dân các tỉnh Bắc - Nam Trung Bộ. Hoạt động này hứa hẹn sẽ góp phần tăng cường liên kết phục hồi du lịch hậu dịch COVID-19. 
 
Trước đó, Nghệ An cũng đã chủ động tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, hoạt động du lịch đầu ngành trong xây dựng kịch bản cho kế hoạch phục hồi ngành “công nghiệp không khói” khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hội thảo “Bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19 tỉnh Nghệ An năm 2020” do Tổng Cục Du lịch, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp đã được tổ chức vào cuối tháng 5.
 
Trong đó, để giải “bài toán” khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, các đại biểu đều thống nhất, nhấn mạnh đến các hướng đi trọng tâm với du lịch xứ Nghệ: Đa dạng và nâng cao chất lượng các dịch vụ của điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; xác định thị trường trọng điểm khách du lịch; đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để xây dựng chuỗi sản phẩm liên tỉnh, liên vùng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để hội nhập và phát triển, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện… Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu các thị trường du lịch trọng điểm gắn với chương trình kích cầu du lịch, nghiên cứu mở rộng với các thị trường mới, đổi mới phương thức quảng bá trên nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh quảng bá du lịch Nghệ An hấp dẫn, thân thiện. Từ đó, tuyên truyền đậm nét về chủ trương “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và thương hiệu “Nghệ An điểm đến an toàn và khác biệt”.
 
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị 31 về tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành và lưu trú du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, yêu cầu Sở Du lịch Nghệ An và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai thực hiện quy định về quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Luật Du lịch 2017 và văn bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch. Chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ và văn hóa giao tiếp ứng xử cho đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân lao động trong cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch.
 
Những năm qua, với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, du lịch Nghệ An đã có những chuyển biến mạnh và khởi sắc toàn diện. Xét trong tổng thể nguồn lực đầu tư và những khó khăn hiện hữu, không thể phủ nhận những nỗ lực của du lịch trong quyết tâm chung - xây dựng thương hiệu riêng cho Nghệ An và quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Làng Sen quê Bác ngào ngạt hương hoa như níu chân du khách, Cửa Lò nước biển êm dịu, hải sản tươi ngon; du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ với những đặc sắc văn hóa vùng miền. Đó là những thế mạnh mà du lịch Nghệ An cần giữ vững và phát huy.
 
Lẽ dĩ  nhiên, muốn phục hồi và phát triển ổn định du lịch nói riêng và các nền kinh tế nói chung, chỉ chắc chắn khi đã có vắc xin điều trị dịch COVID-19. Đảm bảo an toàn vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi mục tiêu, phương hướng phát triển. Song, khó khăn, thách thức thì càng phải quyết tâm cao hơn. Trong nỗ lực chung đó, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và các ngành với các doanh nghiệp: Về thuế VAT, thuế thuê đất, hỗ trợ người lao động trong các đơn vị lữ hành, du lịch; các chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… Bởi, dù có một kịch bản “khả quan nhất” khi dịch bệnh được kiểm soát, khó khăn, ảnh hưởng vẫn là hiện hữu.
.

MAI HẬU

.