Thứ Tư, 01/07/2020, 10:40 [GMT+7]

Tạo dựng uy tín nguồn lao động xuất khẩu

(Congannghean.vn)-Trong năm qua, Nghệ An tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, để nâng cao uy tín cho thị trường lao động trong nước và tạo tính bền vững đối với thị trường cung cấp lao động của tỉnh thì cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu.
Đối tác nước ngoài trực tiếp khảo sát lao động tại Nghệ An
Đối tác nước ngoài trực tiếp khảo sát lao động tại Nghệ An
Hiện, Nghệ An có hơn 62.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, các nước Trung Đông. Những địa phương đưa được số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm: Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Cửa Lò..., các huyện miền núi như: Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn... Nguồn thu nhập do người lao động đi làm việc ở nước ngoài chuyển về tỉnh ước đạt 500 triệu USD/năm. Hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã giúp nhiều hộ gia đình, địa phương từng bước “thay da đổi thịt”; đồng thời góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 
 
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đưa người đi lao động ở nước ngoài trong năm qua đạt được những kết quả khả quan, nhất là ở những thị trường mới. Nhờ vậy, chỉ tiêu giải quyết việc làm, XKLĐ đạt khá cao. Góp phần vào kết quả đó phải kể đến hiệu quả công tác xâu nối của địa phương và các sở, ban, ngành; cùng với đó, nhiều chính sách khuyến khích phù hợp đã thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài trong việc lựa chọn đơn vị và thị trường phù hợp với nhu cầu, khả năng của bản thân. 
 
Mặc dù dẫn đầu cả nước về số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nguồn lao động cả về tay nghề và kỹ năng, ý thức chấp hành kỷ luật lao động nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác, nhất là với các thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Australia.... Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho người lao động trước khi đưa họ đi làm việc. Ngoài ra, các địa phương cần lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực uy tín trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh. 
 
Được biết, trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, đến nay, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có các quốc gia từng là thị trường lớn của tỉnh trong lĩnh vực XKLĐ vẫn chưa cấp visa cho lao động nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài đóng tại Nghệ An đã nỗ lực khâu nối, liên kết với các quốc gia như Đài Loan, Malaysia đưa được một số lao động trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, chuyên ngành thực phẩm... sang làm việc vào tháng 6. Đối với một số thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn chưa có phản hồi về thời hạn tiếp nhận lao động ngoài nước.
 
Vì vậy, trong thời gian chờ đợi phản hồi, cần tận dụng mọi điều kiện để tích cực đào tạo tay nghề, kỹ năng toàn diện cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật những nhu cầu mới về việc làm của các nước để có những điều chỉnh phù hợp về ngành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường nước ngoài. Theo yêu cầu của đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Bên cạnh những giải pháp nói trên, cần có giải pháp và chế tài quyết liệt để khắc phục tình trạng lao động sang các nước sở tại rồi bỏ trốn ra ngoài, gây mất uy tín, ảnh hưởng tới thị trường lao động Việt Nam trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
 
Ngoài ra, do tác động của dịch COVID-19, việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, quan trọng nhất vẫn là nỗ lực giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nhiều việc làm trong nước; đồng thời chú trọng đào tạo bồi dưỡng, chuẩn bị sẵn nguồn lao động có chất lượng để ngay khi có đơn hàng, tỉnh sẽ có nguồn cung dồi dào. Được biết, nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực XKLĐ cũng đã có nhiều phương án “kích cầu” cho hoạt động thu hút lao động ra nước ngoài làm việc bằng cách hỗ trợ miễn, giảm chi phí xuất cảnh, miễn phí chương trình học tiếng sau khi dịch COVID-19 được khống chế, đẩy lùi.
.

Thùy Dương

.