Thứ Hai, 20/07/2020, 08:38 [GMT+7]

Cần thay đổi tư duy trong hoạch định, ban hành cơ chế chính sách

(Congannghean.vn)-Những năm qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa cao nhưng có tính bền vững. Với địa phương có diện tích rộng, dân số lớn, đồng bào dân tộc thiểu số đông như Nghệ An thì kết quả đó có dấu ấn đậm nét của các nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) do HĐND tỉnh ban hành cũng như sự nỗ lực, quyết tâm cao của UBND tỉnh trong thực hiện các nghị quyết.
Một số nội dung Nghị quyết số 14/2017/NQ-UBND về một số chính sách  hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được  triển khai rộng rãi tại các địa phương
Một số nội dung Nghị quyết số 14/2017/NQ-UBND về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai rộng rãi tại các địa phương
Sau khi các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh đã tích cực, chủ động chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện cụ thể theo từng lĩnh vực, địa phương liên quan. Công tác thanh, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết cũng được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành quan tâm thực hiện. Liên quan đến nguồn kinh phí để thực hiện các nghị quyết, giai đoạn 2015 - 2019, tổng nguồn kinh phí cấp cho các đơn vị là hơn 1.471 tỉ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 4 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 1.467 tỉ đồng. Tổng nguồn kinh phí thực hiện là gần 1.423 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 2,3 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 1.420 tỉ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH trên địa bàn.
 
Với lĩnh vực nông nghiệp, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về chính sách hỗ trợ, nhiều mô hình, dự án phát huy hiệu quả đã được nhân rộng như: Hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò sữa, bò thịt; nhân rộng các giống lúa mới, cánh đồng mẫu sản xuất tập trung, sản xuất theo hướng hữu cơ, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, VietGAP… Qua đó góp phần làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa. Với lĩnh vực công nghiệp, các chương trình, dự án như: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, vườn ươm doanh nghiệp; thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư… đã góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các chính sách hỗ trợ đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy, học. Hay như chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập đã góp phần thu hút và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh...
 
Bên cạnh những tác động tích cực nói trên, quá trình thực hiện các nghị quyết vẫn còn một số hạn chế như: Nhiều chính sách chưa bố trí đủ nguồn lực theo kế hoạch, dẫn đến tình trạng nợ chính sách. Các nghị quyết về cơ chế chính sách đầu tư phát triển hầu như chưa đáp ứng nhu cầu về nguồn kinh phí để thực hiện. Liên quan đến công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát triển khai thực hiện các nghị quyết chưa thường xuyên và kịp thời. Một số cơ chế, chính sách được ban hành không phù hợp hoặc có vướng mắc nên không triển khai được, chỉ được triển khai một phần hoặc triển khai không hiệu quả. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều cơ chế chính sách bộc lộ bất cập nhưng không được rà soát để tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp hoặc không triển khai thực hiện được.
 
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, điểm nghẽn trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách là không bố trí đủ nguồn lực và bố trí thiếu tập trung, còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Từ thực tế trên, tại cuộc làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh ưu tiên tham mưu ban hành các nghị quyết từ đầu kỳ kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm; trong đó tập trung vào các chính sách lớn, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; không ban hành các chính sách chưa thật sự cần thiết. Khi xây dựng chính sách, việc bố trí nguồn lực phải sát với thực tế; cố gắng xây dựng theo hướng thực thi ngay.
 
Về công tác triển khai thực hiện, cần phân rõ đầu mối cho cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm; đồng thời tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương. Việc bố trí nguồn lực đảm bảo đầy đủ, kịp thời, minh bạch. Song song với đó, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách không còn phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế nhằm đảm bảo dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao nhất.
.

Thùy Dương

.