Thứ Ba, 02/06/2020, 07:36 [GMT+7]

Tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng

(Congannghean.vn)-Trước sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương trong cả nước, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đang tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống và tiêm phòng cho đàn vật nuôi vụ Xuân 2020.
Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi
Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi
Theo Công văn 3024 của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ, từ tháng 3/2020 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của các cấp, ngành đã góp phần giảm thiểu thiệt hại gây ra ở mức thấp nhất có thể. Hiện nay, cả tỉnh có trên 98% số xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây do một số địa phương chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy lợn bệnh; tái đàn, tăng đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh… nên dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra, tái phát tại các xã đã qua 30 ngày của 3 huyện Yên Thành và Thanh Chương. 
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên diện rộng và chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện tiêm phòng vụ Xuân 2020, đặc biệt là tiêm phòng các loại vắc xin được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng dịch. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; các biện pháp phòng dịch như vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học; tuyên truyền các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc, lợi ích của việc tiêm phòng và kế hoạch tiêm phòng để người dân phối hợp thực hiện.
 
Đồng thời, ngay khi phát hiện dịch bệnh, cần chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời báo cáo, xử lý dứt điểm. UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo dịch bệnh lây lan; bán chạy hoặc giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan. Các địa phương cần tập trung đôn đốc công tác tiêm phòng tại các xã và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường quản lý vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan. Riêng đối với các huyện, thành phố, thị xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày và không có lợn mắc bệnh cần thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định hoặc có văn bản cho các cơ quan liên quan, cơ quan truyền thông đưa tin về việc hết bệnh dịch trên địa bàn để người chăn nuôi nắm tình hình và tổ chức tái đàn, tăng đàn..
.

M.H

.