Thứ Hai, 01/06/2020, 08:16 [GMT+7]

Xác định cây, con chủ lực để phát triển sản xuất

(Congannghean.vn)-Sau gần 6 năm thực hiện Đề án “Phát triển cây, con chủ yếu gắn với việc quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, những kết quả đạt được đã tạo ra những chuyển biến căn bản góp phần tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là tiếp rục rà soát, điều chỉnh, lựa chọn những loại cây, con thực sự chủ lực để tập trung nguồn lực  đầu tư phát triển hiệu quả.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, các tiến bộ về giống                                          được chú trọng thực hiện
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, các tiến bộ về giống được chú trọng thực hiện
Đề án nói trên xác định 12 loại cây chủ yếu gồm: Lúa, ngô, lạc, mía, sắn, cao su, chè, cam, chanh leo, cỏ chăn nuôi bò sữa, cây nguyên liệu lâm nghiệp, cây dược liệu. 7 con chủ yếu là: Trâu, bò, lợn, gia cầm, hươu, tôm và cá nước ngọt. Sau gần 6 năm thực hiện Đề án, các mục tiêu đến năm 2020 cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 dự kiến đạt 4,6%/năm, trong khi mục tiêu Đề án là 4 - 4,5%/năm; cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, dự kiến đến cuối năm 2020 cơ cấu nông nghiệp chiếm 75,97%; lâm nghiệp 7,88%; thủy sản 16,14%… 
 
Trong số 21 cây, con chủ lực trong giai đoạn 2014 - 2020, có 11 cây, con chủ lực được xác định đã vượt và đạt mục tiêu của Đề án, gồm: Nhóm cây trồng có sản lượng lúa, ngô, sắn, mía, cam và cây thức ăn chăn nuôi; nhóm vật nuôi có trâu, bò, gia cầm (thịt) và sản lượng cá nước ngọt; nhóm cây lâm nghiệp có (diện tích) rừng nguyên liệu. Trong đó, sản phẩm cam quả được đánh giá vượt mục tiêu cao nhất. Trong quá trình thực hiện Đề án, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu được chú trọng, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
 
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào phát triển các cây con chủ lực của tỉnh. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 22.808 ha diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 7,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có 70 trang trại. Triển khai Đề án, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cũng được đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực ngày càng được mở rộng, giá trị xuất khẩu hàng năm đều tăng.
 
Tuy nhiên, trong 21 chỉ tiêu Đề án đưa ra, chỉ có 7 chỉ tiêu vượt mục tiêu Đề án, chiếm 33%; 4 chỉ tiêu đạt, chiếm 0,14% và 10 chỉ tiêu không đạt hoặc khó đạt, chiếm 47,0%. 10 chỉ tiêu không đạt hoặc khó đạt là sản lượng lạc, chanh leo, chè búp tươi, cao su mủ khô, dược liệu, tổng đàn hươu, tổng đàn bò bê sữa, sản lượng sữa tươi, thịt lợn và sản lượng tôm tươi. Trong đó, có những cây, con có nhiều lợi thế, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Ngoài các chỉ tiêu khó đạt về sản lượng của 10/21 cây, con chủ lực, việc thực hiện Đề án vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.
 
Cụ thể như, nguồn vốn đầu tư cho Đề án còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển một số cây, con chủ yếu chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ, đơn cử như hệ thống thủy lợi ở các vùng nguyên liệu. Về công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, bảo quản sau thu hoạch đối với một số cây, con chủ yếu còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Do đó, thị trường tiêu thụ của phần lớn nông sản là nội địa, còn xuất khẩu mới ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu. 
 
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc lựa chọn 19 cây con chủ lực để đầu tư, phát triển là quá dàn trải, chưa có tính tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Điều này dẫn đến việc đầu tư và hỗ trợ đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, thiếu kết nối giữa các nguồn lực. Do đó, việc rà soát, xác định lại cây con chủ lực là vấn đề cần thiết để tập trung nguồn lực đầu tư hiệu quả. Giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Nghệ An xác định tiếp tục phát triển cây, con chủ yếu gắn với tái cơ cấu ngành, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, sẽ có bộ cây, con chủ lực mới để phù hợp với điều kiện mới và tình hình hội nhập hiện nay. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT đề xuất lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, bao gồm 11 sản phẩm, nhóm sản phẩm. Đó là: Cây lương thực; rau củ quả; cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến (mía, sắn, chè); cây ăn quả (cam, quýt, bưởi, chuối, bơ…); cây nguyên liệu gỗ; cây dược liệu; gia súc lớn; lợn; gia cầm, tôm và cá nước ngọt. 
.

Thùy Dương

.