(Congannghean.vn)-Trong nhiều năm trở lại đây, việc xây dựng thương hiệu đã được các doanh nghiệp Nghệ An quan tâm và đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, trước thực tiễn sôi động của thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay, thương hiệu của doanh nghiệp xứ Nghệ vẫn còn nhiều nhiệm vụ phải làm.
Doanh nghiệp Nghệ An bước đầu đã tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng |
Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Quá trình hội nhập này đã mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường trong nước.
Thực tiễn hiện nay cho thấy mỗi mặt hàng có hàng trăm nhà sản xuất khác nhau, khi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn thì thương hiệu chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến việc mua sắm. Ý thức rõ vai trò quan trọng của thương hiệu, Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chú trọng xây dựng thương hiệu. Ngày 27/8/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 46/2015 về việc ban hành quy định về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016 - 2020. Theo Quyết định, các doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để xây dựng và phát triển thương hiệu của mình theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các dự án và các hoạt động hỗ trợ theo nội dung hỗ trợ được quy định chi tiết. Tiếp tục bổ sung, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 72 ngày 18/12/2015. Tuy nhiên, đến nay, số lượng các doanh nghiệp thực sự quan tâm xây dựng thương hiệu chưa cao. Hiện, Nghệ An có trên 1.000 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 955 nhãn hiệu, 59 kiểu dáng, 11 giải pháp hữu ích và 12 sáng chế. Năm 2019, tăng 76 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 70 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng, 2 giải pháp hữu ích và 2 sáng chế. Trong số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh, đối tượng quyền là nhãn hiệu chiếm đa số, với 955 nhãn hiệu, chiếm 92%.
Trên thực tế, ngoài những “tên tuổi” đã đứng vững trên thị trường, vì nhiều lý do, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng thương hiệu. Phần đa doanh nghiệp Nghệ An là vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế chưa mạnh. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính khiến câu chuyện thương hiệu doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc, mà thực tế, xuất phát từ chính nhận thức của doanh nghiệp trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ dừng lại ở một thiết kế logo, hay là một tên gọi biểu trưng, mà chính là sự ghi nhớ trong tâm trí người dân về một sản phẩm nào đó. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có người chuyên trách về thương hiệu, thậm chí chưa có hệ thống nhận diện thương hiệu, chưa xem đây là yếu tố “sống còn” trên thương trường. Và không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức về việc quảng bá chương trình và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các sự kiện thương mại quốc tế ở trong nước và nước ngoài, kết hợp tuyên truyền ý thức người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam.
Đã qua rồi giai đoạn “hữu xạ tự nhiên hương”, doanh nghiệp chỉ có thể trụ vững nếu tốt cả gỗ và tốt cả sơn. Một mặt, việc nâng cao chất lượng, mẫu mã là nhiệm vụ quan trọng, song mặt khác, chính doanh nghiệp cũng phải tìm cách hiệu quả để lan tỏa thương hiệu đến đông đảo người tiêu dùng. Lẽ dĩ nhiên, việc thúc đẩy và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp sẽ chỉ hiệu quả nếu có sự chung tay từ nhiều phía, sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan. Xây dựng thương hiệu là một quá trình gian nan, thử thách. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền doanh nghiệp cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thông tin về thị trường; cũng như là hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực xây dựng chiến lược về thương hiệu thông qua các chương trình đào tạo. Việc hỗ trợ phải bằng những chương trình, hành động thiết thực, cụ thể, có như vậy, thương hiệu doanh nghiệp Nghệ mới có thể lan tỏa lâu dài và bền lâu.
.