Thứ Hai, 04/05/2020, 08:35 [GMT+7]

Tập trung khôi phục kinh tế

(Congannghean.vn)-Cho đến thời điểm hiện nay, công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới. Dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát và đẩy lùi, vì thế, một nhiệm vụ quan trọng lúc này là tập trung phản ứng nhanh, mạnh để khởi động nền kinh tế, khôi phục sản xuất sau một thời gian bị ảnh hưởng, ngừng trệ.

Song song với nhiệm vụ chống dịch, việc khôi phục kinh tế cũng là mục tiêu của nhiều địa phương
Song song với nhiệm vụ chống dịch, việc khôi phục kinh tế cũng là mục tiêu của nhiều địa phương
Trong các loại hình sản xuất, nông nghiệp là lĩnh vực ít chịu tác động hơn trong dịch COVID-19. Đây là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng đến an ninh lương thực và đời sống của người dân. 
 
Tại Nghệ An hiện có khoảng 80% dân số sống ở nông thôn. Trong quý I, khu vực nông lâm thủy sản của tỉnh đạt 4.004,4 tỉ đồng, tăng 4,75%. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ước đạt 203.970 ha, bằng 99,1% so với năm trước. Lĩnh vực chăn nuôi dù chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm nhưng vẫn ghi nhận những kết quả khả quan. Toàn tỉnh hiện có 265 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 61,48%; 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2020, toàn tỉnh có 36 xã và 2 huyện đăng ký về đích nông thôn mới, tiếp tục xây dựng Nam Đàn thành huyện nông thôn kiểu mẫu. Nghệ An cũng tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tăng giá trị theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Xác định đây là lĩnh vực chủ lực, trong buổi làm việc mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã xác định và yêu cầu địa phương phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững từ nay đến cuối năm, tạo đà đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra.
 
Bên cạnh đó, các địa phương, sở, ngành liên quan đã tập trung khôi phục những lĩnh vực vốn đã bị tác động rõ rệt bởi dịch COVID-19. Thực tế cho thấy, các lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghiệp đều có chỉ số không nhiều khả quan. Doanh thu du lịch Nghệ An trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 39% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 4 ước đạt 115 tỉ đồng, bằng 15.95% so với cùng kỳ, lũy kế 4 tháng ước đạt 1.530 tỉ đồng, bằng 58,65% cùng kỳ năm 2019. Theo đó, 4 tháng đầu năm, Nghệ An thực hiện đạt 4.976 tỉ đồng, đạt 32,75 dự toán, tăng 4,3% cùng kỳ năm 2019. Dự báo, do ảnh hưởng của dịch, thu ngân sách giảm sẽ còn xảy ra vào tháng 5 và tháng 6. Trước mắt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới dẫn tới việc các chuyến bay quốc tế bị hạn chế và có khả năng kéo dài cho đến cuối năm, thì có thể thấy thị trường nội địa sẽ là "cứu cánh" cho ngành Du lịch trong giai đoạn mùa hè. Vì thế, việc tập trung xây dựng phương án sản phẩm và truyền thông cho thị trường nội địa là giải pháp cứu cánh cho du lịch trong bối cảnh du khách quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ.
 
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, tỉnh cần đồng hành mạnh mẽ với doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Trước hết, thể hiện quyết tâm  cùng các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp lớn hiện đã đầu tư vào tỉnh như VSIP, Hemaraj để tiếp tục mở rộng và đầu tư thêm hạ tầng. Tuy nhiên, những giải pháp đối với các lĩnh vực cũng cần được tính toán và nghiên cứu kỹ. Nghệ An hiện đang tập trung thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch theo chính sách của Trung ương, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt. Để đảm bảo mục tiêu đó, các đơn vị, ngành hàng phải nhận diện rõ nguy cơ, thách thức để có các giải pháp cụ thể, tập trung chỉ đạo đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
 
Dẫu rằng việc khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quan trọng nhưng điều này cần phải tính đến sự an toàn về y tế nhằm bảo đảm dịch bệnh sẽ không bùng phát trở lại. Việc khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh chắc chắn là thách thức rất lớn đối với tất cả các địa phương. Để hạn chế rủi ro, cần có những chiến lược phù hợp, linh hoạt với tình hình thực tế để từng bước phục hồi trong điều kiện mới. Có như vậy, mới thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển”.
.

TUỆ TRANG

.