Thứ Hai, 25/05/2020, 08:34 [GMT+7]

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp hỗ trợ đảm bảo ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh đã được UBND tỉnh cũng như các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Các giải pháp tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá, giảm chi phí sản xuất kinh doanh góp phần giúp doanh nghiệp vực dậy sau dịch COVID-19
Các giải pháp tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá, giảm chi phí sản xuất kinh doanh góp phần giúp doanh nghiệp vực dậy sau dịch COVID-19
Do tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến cơ cấu một số khoản thu như thu từ doanh nghiệp, khu vực công thương nghiệp - dịch vụ ngoài quốc doanh, hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm. 
 
Trước thực tế trên, nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để phục hồi kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng như các ngành, địa phương đã kịp thời thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Đó là, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá, phát triển sản xuất thông qua việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thêm các đối tác trong và ngoài nước; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, nhất là đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu. Cùng với đó, cung cấp các thông tin cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn về danh sách các nhà phân phối, sản xuất, xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày.
 
Việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cũng được thực hiện thông qua việc rà soát, đề xuất phương án giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; phương án giảm giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp trên cơ sở giảm khung giá thuê đất của Nhà nước đối với quy hoạch đất công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất. Đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá, chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý II và quý III năm 2020. Đồng thời, gia hạn nộp thuế, không tính tiền chậm nộp thuế; miễn - giảm thuế, hoàn thuế… theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19).
 
Cùng với việc tạo điều kiện lưu thông hàng hoá, giảm chi phí sản xuất, chính quyền các cấp, ngành tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng. Cụ thể là, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường cho các doanh nghiệp; rà soát, bổ sung, cập nhật bảng giá đất trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ của Trung ương trên địa bàn, nhất là gói hỗ trợ tín dụng ngân hàng của Chính phủ; tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp về vốn nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19…
 
Các gói sản phẩm tín dụng dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 1 - 3% đã được nhiều ngân hàng trên địa bàn đồng loạt triển khai. Song song với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện công khai, minh bạch hoá thông tin cho doanh nghiệp về các loại quy hoạch, các dự án; đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Đối với lĩnh vực du lịch, nhằm khôi phục, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Nghệ An, ngành Du lịch tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa, kết nối với các vùng, miền của cả nước. Qua đó thu hút sự tham gia chủ động, tích cực, liên kết, hợp tác, phối hợp chặt chẽ, hình thành liên minh kích cầu giữa các địa phương trọng điểm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
.

Thùy Dương

.