Chủ Nhật, 24/05/2020, 09:16 [GMT+7]

Đảm bảo tối đa lợi ích của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định EVIPA

Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
 
Chiều 22/5, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV tổ chức phiên họp thường trực mở rộng để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) và các nước thành viên EU (gọi tắt là Hiệp định EVIPA).
 
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
 
Theo đó, dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư phù hợp với quy định của hiệp định. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ việc thi hành đầy đủ, nhất quán, đúng lộ trình cam kết của Việt Nam về cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của hiệp định.
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dựng Nghị quyết cần đáp ứng yêu cầu đảm bảo tối đa lợi ích của Việt Nam khi thực hiện, tránh mở rộng cam kết cho các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định. Đồng thời, Nghị quyết cần bảo đảm tính khả thi, ổn định và thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.
 
Đánh giá tác động của việc ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đối với các bên tranh chấp, các quy định góp phần thực hiện quyền của các bên tranh chấp đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Đối với Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết không tạo ra một cơ chế mới để nhà đầu tư kiện Việt Nam, không tăng rủi ro thua kiện của Việt Nam. Đối với hệ thống pháp luật, các quy định đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam, không yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với môi trường đầu tư kinh doanh, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ, có hiệu quả bảo hộ hoạt động đầu tư EU tại Việt Nam và ngược lại; qua đó củng cố niềm tin của các doanh nghiệp trong việc cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh môi trường đầu tư, kinh doanh.
 
Với nội dung nêu trên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV theo trình tự, thủ tục rút gọn.
 
Tại phiên họp, hầu hết các ý kiến khẳng định việc cần thiết ban hành Nghị quyết ở thời điểm này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, Hiệp định EVIPA cần sự phê chuẩn của Nghị viện từng nước thành viên EU mới chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng với quy trình thủ tục nội bộ khác nhau của mỗi quốc gia, việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA của các nước thành viên EU có thể kéo dài, đòi hỏi thúc đẩy từ phía Việt Nam thông qua các biện pháp chính trị, ngoại giao.
 
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng điều chỉnh phạm vi, đối tượng của dự thảo Nghị quyết, phù hợp nội dung Hiệp định EVIPA là “công nhận phán quyết” và “cho thi hành nghĩa vụ tài chính của phán quyết” để làm cơ sở cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết. Nếu phạm vi, đối tượng điều chỉnh chỉ giới hạn trong nghĩa vụ tài chính của các phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp theo hiệp định, chỉ cần điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết cho thống nhất.
 
Nhất trí với việc cần thiết ban hành Nghị quyết, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Lê Hồng Quang cho biết, để phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thuận tiện cho việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo Nghị quyết liên quan đến chủ thể phải thi hành phán quyết EVIPA; hiệu lực của phán quyết EVIPA sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành; thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết EVIPA; đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 3 và Điều 4 dự thảo Nghị quyết cùng một số nội dung khác.
 
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga biểu dương tinh thần thống nhất các ý kiến liên quan đến 3 vấn đề về sự cần thiết ban hành Nghị định; thống nhất thành lập Nghị quyết riêng; đề xuất thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhằm sớm hoàn thiện các ý kiến để sửa đổi và bổ sung theo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết; đặc biệt làm rõ các nội dung liên quan đến vấn đề tố tụng tư pháp; thủ tục; tên gọi và phạm vi điều chỉnh; nội dung; hiệu lực thi hành.../
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.