Kinh tế xã hội

Đừng để 'đất vàng' thành… đất hoang!

15:29, 09/04/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nhiều khu đất ở vị trí đắc địa, sinh lời cao trên địa bàn TP Vinh hiện nay, vì một số lý do nào đó đang bị bỏ hoang trong suốt nhiều năm qua. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước khi không được đưa ra đấu giá mà còn làm mất hình ảnh mỹ quan đô thị của thành phố. 

“Đất vàng” tại đường Phan Bội Châu giao đường Mai Hắc Đế bỏ hoang suốt 13 năm
“Đất vàng” tại đường Phan Bội Châu giao đường Mai Hắc Đế bỏ hoang suốt 13 năm
Hơn 13 năm nay, khu đất vàng nằm ở vị trí tiếp giáp 2 mặt tiền đường Phan Bội Châu và Mai Hắc Đế (Quốc lộ 1A), thuộc địa phận phường Quán Bàu, TP Vinh có diện tích 11.253,3 m2 đã được thu hồi để làm dự án, nhưng lại bỏ hoang từ đó đến nay. Tại vị trí này, nằm trong số các dự án thu hút đầu tư, tháng 12/2007, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC - Vinh - Plaza. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”, nguyên nhân chính là do Nhà nước chậm trễ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
 
Theo đó, thửa đất này vào năm 1991, ông Lê Văn Hồng đã nhận chuyển nhượng lại. Khi UBND TP Vinh ban hành quyết định thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp, ông Hồng khởi kiện và TAND TP Vinh đã ban hành bản án khẳng định dự án nói trên không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Bản án có hiệu lực, UBND TP Vinh phải hủy quyết định thu hồi đất ban hành năm 2015, việc thu hồi đất kéo dài nhiều năm sau đó do chính quyền và người dân không tìm được tiếng nói chung trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tiến độ dự án chậm một phần do năng lực tài chính của chủ đầu tư. Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC trong thời gian qua rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ, chưa có khả năng thực hiện dự án khiến cho khu đất “kim cương”, có giá trị sinh lời cao đắp chiếu suốt 13 năm, gây lãng phí và làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị của thành phố. Trả lời báo chí, đại diện lãnh đạo UBND TP Vinh cho biết, sau quá trình giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, thì đến nay phía nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với dự án. Đến nay, thành phố vẫn đang loay hoay, chưa có phương án xử lý đối với trường hợp này.
 
Tương tự, tại phường Lê Lợi, TP Vinh khu đất rộng 9.667,8 m2 từ tháng 10/1992 được giao cho Công ty CP Bến xe Nghệ An (cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước) để thực hiện dự án Bến xe Trung tâm TP Vinh. Gần đây, do tốc độ đô thị hóa, bến xe nằm trong nội thành không còn phù hợp nên UBND tỉnh đã có chủ trương di dời ra khỏi thành phố, cho doanh nghiệp thuê đất tại xã Nghi Kim để làm bến xe mới. Tháng 4/2018, Bến xe Bắc Vinh có tổng vốn đầu tư 320 tỉ đồng, diện tích 4 ha chính thức đi vào hoạt động, bến xe tại phường Lê Lợi đóng cửa. Sau khi được thuê đất để làm bến xe mới, Công ty CP Bến xe Nghệ An không trả lại đất ở bến xe cũ cho Nhà nước, mà muốn tiếp tục được sử dụng khu đất nói trên làm trung tâm thương mại, không thông qua đấu giá. Sở Tài chính cho biết, theo quy định, chuyển đổi mục đích từ làm bến xe sang trung tâm thương mại thì phải đấu giá, nhưng doanh nghiệp họ không trả lại đất, nên đấu giá cũng rất vướng. Nhà nước thu hồi cũng không được vì đất đã giao cho doanh nghiệp. Hậu quả là suốt mấy năm qua, “đất vàng” nằm ngay trung tâm TP Vinh “cửa đóng then cài”.
 
Được biết, hiện nay trên địa bàn TP Vinh nhiều diện tích đất nằm ở vị trí đắc địa, sinh lời cao nhưng do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên chưa thể đưa vào sử dụng, để hoang hóa suốt nhiều năm, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn thất thoát ngân sách Nhà nước khi không thể đưa ra đấu giá để đưa vào sử dụng. Ngoài hai lô đất tại phường Lê Lợi và phường Quán Bàu nói trên, có thể kể đến là khu "đất vàng" rộng 3,77 ha, nằm tọa lạc trên hai mặt đường lớn là Lê Hồng Phong và đại lộ Lê Nin, thuộc địa phận phường Hưng Phúc.
 
Tại vị trí này, năm 2005 được thu hồi để quy hoạch xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Nghệ An, quy hoạch xây dựng gồm hai khối tháp vươn cao 27 tầng với tổng khái toán dự kiến là 2.178 tỉ đồng. Công trình được xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính của các địa phương nên tỉnh Nghệ An đã dừng đề án này từ tháng 10/2015 cho đến nay. Gần 5 năm qua, khu đất này để hoang, chỉ sử dụng vào dịp Tết để thương lái lập chợ hoa bán đào, quất. Một phần đất được Công ty CP Công viên cây xanh mượn để ươm cây cảnh và những loại cây giống khác. Phần còn lại hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, xung quanh hàng rào nhiều nơi người dân tận dụng để vứt rác bừa bãi. 
 
Trao đổi với phóng viên về những nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến các dự án nằm ở các vị trí đắc địa nhưng chưa thể triển khai, ông Hà Thanh Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do năng lực của chủ đầu tư dẫn đến dự án chậm tiến độ. Trong thời gian vừa qua, TP Vinh đã tiến hành kiểm tra nhiều dự án, qua đó đã đưa ra “tối hậu thư” cho nhiều dự án đã phê duyệt nhiều năm nhưng không thực hiện để đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành 579 lượt kiểm tra đối với 455 dự án (chiếm 36,4% số lượng dự án toàn tỉnh). Qua kiểm tra, đến thời điểm hiện nay đã thu hồi, hủy bỏ 165 dự án với tổng diện tích đất là hơn 36.000 ha. 
 
Riêng trên địa bàn TP Vinh, trong thời gian nói trên đã đề xuất, phối hợp với các đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra, xử lý 186 dự án chậm tiến độ, thu hồi, hủy bỏ pháp lý 40 dự án. Trong năm 2019, thành phố tiếp tục kiến nghị tỉnh kiểm tra 47 dự án. Một số dự án đang nằm trong “tầm ngắm” là Cụm dân cư Trường Sơn tại phường Cửa Nam; dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, y tế và nhà ở tại xã Nghi Phú; dự án bêtông Vinh Thành tại xã Hưng Đông… Đối với một số khu “đất vàng”, “đất kim cương” đã thu hồi nhưng chưa thể đưa vào sử dụng, TP Vinh đang nỗ lực tìm giải pháp để tháo gỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án, nhằm tránh lãng phí và thất thoát tài nguyên, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh TP Vinh hiện đại, đáng sống.

THIÊN THẢO

Các tin khác