Kinh tế xã hội

Tại huyện Đô Lương: 'Loạn' phân lô, bán nền

09:29, 06/04/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trên địa bàn huyện Đô Lương, Nghệ An, trong những năm gần đây rộ lên hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phân lô, bán nền, xây dựng các khu đô thị. Số lượng nhiều nhưng chất lượng thì cần thẩm định lại, khi hạ tầng nhiều nơi chưa hoàn thiện nhưng đã tiến hành rao bán rầm rộ. 
Huyện Đô Lương quy hoạch đô thị dưới hành lang lưới điện cao thế
Huyện Đô Lương quy hoạch đô thị dưới hành lang lưới điện cao thế
Phân lô, bán nền dưới đường điện cao thế
 
Dự án đấu giá đất ở rộng 4 ha tại khối 7, thị trấn Đô Lương tiếp giáp với khu đô thị Vườn xanh (Nam thị trấn Đô Lương), được triển khai từ năm 2015. Nơi đây được kỳ vọng sẽ cùng với khu đô thị Vườn xanh làm nên diện mạo mới cho thị trấn Đô Lương ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang ngổn ngang, thậm chí theo giới chuyên gia bất động sản thì sai về quy hoạch của một khu đô thị khi đến nay, vẫn không có điện, không cấp nước, quy hoạch các lô đất ở dưới hành lang an toàn điện cao thế. 
 
Sau khi trúng đấu giá, người dân tiến hành xây dựng nhà cửa thì mới vỡ lẽ, đất ở nằm ngay dưới hành lang lưới điện cao thế. Sau khi có phản ánh, kiến nghị từ những người dân đã mua đất, huyện Đô Lương đã “chữa cháy” bằng cách hỗ trợ thêm mỗi m2 số tiền 3 triệu đồng đối với các lô đất nằm dưới hành lang lưới điện. Một số hộ dân đang tiến hành xây dựng nhà ở nhưng hạ tầng tại khu đô thị vẫn chưa xong, đường nhựa mới thi công được vài năm đã có dấu hiệu lún, xuống cấp, hệ thống thoát nước đã bị ngập sau những đợt mưa, buộc phải cạy cống để thoát khẩn cấp, hệ thống vỉa hè thi công ẩu nên gập ghềnh, không bằng phẳng. 
 
Được biết, thiết kế và giám sát dự án đều do nhân viên của Phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Đô Lương thực hiện. Các điểm đấu nối, mương thoát nước không liên kết được với khu đô thị Vườn xanh. Hiện, đã có khoảng 10 hộ dân tiến hành xây dựng nhà cửa nhưng nghịch lý ở chỗ, dự án vẫn chưa được cấp điện, cấp nước nên trong quá trình thực hiện, các hộ dân buộc phải đấu nối điện lưới từ trạm điện của khu đô thị Vườn xanh. Dây điện chạy lộ thiên, chằng chịt khắp khu đô thị, vừa mất mỹ quan vừa mất an toàn điện lưới. Đối với một số lô đất nằm dưới đường điện cao thế, cơ quan điện lực đã phải căng băng rôn cảnh báo về việc không được trưng dụng để bán buôn, nguy hiểm đến an toàn tính mạng khiến cho nhiều hộ dân đã trúng đấu giá, rao bán suốt nhiều năm qua cũng không ai đoái hoài. 
 
Bát nháo khu đô thị
 
“Đi tắt, đón đầu” trong các dự án đô thị trên địa bàn huyện Đô Lương là dự án đầu tư di chuyển, nâng cấp đê Cầu Dâu, triển khai từ năm 2009 đến nay, với tổng diện tích 16 ha, tổng trị giá đầu tư 130 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, đây vẫn là một vùng đất ngổn ngang. Sau 10 năm, dự án đã phát sinh đầu tư 250 tỉ đồng, trong đó 100 tỉ đồng đầu tư xây dựng khu đô thị, 150 tỉ đồng đầu tư xây dựng đê và công tác tái định cư. Tính đến thời điểm này, dự án vẫn chưa hoàn thiện.
 
Tương tự, Dự án xây dựng khu dân cư đô thị mới tại xã Lạc Sơn, có diện tích 25 ha, được triển khai từ năm 2010, quá trình xây dựng doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn vì vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Mới đây nhất, là dự án Trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống Đô Lương, với 124 shophouse (mô hình nhà ở kết hợp với cửa hàng kinh doanh) “tham gia” vào lĩnh vực bất động sản, được rao bán rầm rộ trên các sàn bất động sản, khiến huyện Đô Lương phải phát đi cảnh báo người dân nên tìm hiểu tường tận trước khi giao dịch, bởi dự án này chỉ có thời hạn 50 năm. Từ đó làm cho hoạt động trong lĩnh vực này trên địa bàn huyện Đô Lương thêm phần “bát nháo”.
 
Thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Đô Lương có hàng chục dự án phân lô, bán nền. Gần như xã nào để về đích nông thôn mới, huyện đều có chủ trương cho quy hoạch khu dân cư, phân lô, bán đấu giá nhằm thu tiền sử dụng đất. Có thể kể đến như dự án phân lô, bán nền tại các xã Đông Sơn, Mỹ Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn, Minh Sơn… Trong đó, khu đô thị Đông Sơn được triển khai từ tháng 3/2018, trên vùng đất trước đây là lò gạch cũ bỏ hoang, với diện tích 4 ha, tổng mức đầu tư gần 50 tỉ đồng. Dự kiến, vào đầu năm 2020, dự án sẽ hoàn thành và được kỳ vọng trở thành một trong những điểm nhấn của bộ mặt đô thị huyện; tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang dở dang, chậm tiến độ. 
 
Hiện nay, huyện Đô Lương đang tiếp tục tổ chức kêu gọi đấu thầu và đang tiến hành một số dự án phân lô, bán nền tại nhiều xã trên địa bàn. Đáng chú ý là các dự án chia lô đất ở tại vùng ruộng Bông, Trọt Hồ thuộc xã Lưu Sơn; dự án chia lô đất ở tại vùng Quán Lều, thị trấn Đô Lương; dự án hạ tầng chia lô đất ở vùng Mạ Đình, xã Yên Sơn; dự án chia lô đất ở dân cư tại vùng Bãi Dâu xóm 10, xã Đà Sơn; dự án chia lô đất ở dân cư tại vùng đồng Bàu Lãng, xóm 9 và vùng Đồng Nền, xóm 3, xã Thịnh Sơn; dự án chia lô đất ở tại vùng Đồng Du, xã Nam Sơn; dự án khu tái định cư tại vùng Eo xóm 9, xã Nhân Sơn; dự án chia lô đất ở dân cư tại vùng Cây Đê 1 và Cây Đê 2, xã Thuận Sơn… 
 
Câu hỏi đặt ra là, quỹ đất trên địa bàn huyện Đô Lương đang còn rất lớn, khả năng về kinh tế cũng như nhu cầu về đất ở của người dân trên địa bàn là có chừng mực, trong khi các dự án phân lô, bán nền được thực hiện để đưa ra đấu giá như vậy, mục đích liệu có phải đơn thuần chỉ để giải quyết nhu cầu về đất ở cho nhân dân? Câu trả lời xin gửi về UBND huyện Đô Lương.

THIÊN THẢO

Các tin khác