Kinh tế xã hội

Thúc đẩy ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế

07:57, 03/04/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Quý I/2020, bức tranh kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh chịu những tổn thất nhất định do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành tích cực của UBND tỉnh cùng sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, KT-XH tỉnh nhà đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.     

Cần nhiều giải pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp                  vượt qua giai đọan “khủng hoảng” do dịch COVID-19
Cần nhiều giải pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đọan “khủng hoảng” do dịch COVID-19
Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý I/2020 ước đạt 18.528,4 tỉ đồng, tăng 3,68% so với quý I/2019, đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 4.004,4 tỉ đồng, tăng 4,75%; khu vực công nghiệp - xây dựng 5.195,6 tỉ đồng, tăng 3,36%; khu vực dịch vụ 8.231,9 tỉ đồng, tăng 5,13%. 
 
Tính chung quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 11,91%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,41%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 32,34%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,58%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng ở mức thấp, nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Mặt khác, các sản phẩm chủ lực đã qua thời kỳ đỉnh cao, một số sản phẩm như, bia, tôn, thủy điện giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo thời gian tới, ngành Công nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách do ảnh hưởng dịch COVID-19. 
 
Cũng trong 3 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.388,1 tỉ đồng, bằng 28,84% dự toán cả năm và tăng 24,01% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 4.138,1 tỉ đồng, bằng 30,84% dự toán. Tính đến ngày 16/3, trên địa bàn tỉnh có 372 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng 8,45% so với cùng kỳ. Tổng vốn các doanh nghiệp đăng ký đạt 2.538,8 tỉ đồng, bằng 74,13% so với cùng kỳ. Có 205 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Công tác giải quyết việc làm, chế độ cho người lao động cũng đạt kết quả khá, ước đến cuối quý I, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 10.896 lao động, tăng 0,2% so cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu lao động 2.568 người. Về lĩnh vực an sinh xã hội, tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và khắc phục khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 với 3 hợp phần; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số theo Quyết định 54; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định 2085.
 
Quý I/2020, KT-XH tỉnh nhà gặp rất nhiều khó khăn, trong đó các ngành sản xuất kinh doanh có mức tăng trưởng chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Do đó, yêu cầu đặt ra là thực hiện ổn định xã hội và phát triển kinh tế, với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đảm bảo các mục tiêu an sinh và phúc lợi xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. 
 
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, các cấp, ngành cần tập trung vào một số giải pháp như nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp miễn giảm đóng bảo hiểm, thuế, giảm lãi suất, khoanh nợ cho đến khi hết dịch COVID-19. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát và thực hiện các dự án, xử lý các dự án chậm triển khai. Về công tác cải cách hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngoài các biện pháp đã được triển khai, cần chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch liên quan đến dịch bệnh, với phương châm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. 

Thùy Dương

Các tin khác