Kinh tế xã hội
Nghệ An
Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống trong dịch COVID-19
08:39, 30/03/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hiện trên địa bàn Nghệ An chưa ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19. Song trước diễn biến khó lường của dịch, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra. Trong đó, hoạt động rà soát, khoanh vùng, giám sát tại cộng đồng, đặc biệt là các trường hợp cách ly đều đảm bảo nghiêm ngặt.
Đến thời điểm này, ở Việt Nam, dịch COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn rất khốc liệt. Tại Nghệ An, đến nay chưa có trường hợp nào mắc COVID-19. Công tác phòng, chống dịch được tỉnh triển khai rất tích cực, kịp thời, huy động sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng, ban, ngành, địa phương và toàn thể người dân.
Các đội tình nguyện tham gia hỗ trợ các cơ sở cách ly tập trung |
Ngay từ đầu mùa dịch, các biện pháp phòng, chống dịch đã được tỉnh thực hiện nghiêm ngặt, ráo riết, đặc biệt là việc theo dõi, giám sát, phát hiện người từ các nước, nhất là các nước từ vùng dịch trở về để tiến hành cách ly sớm. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện cách ly tập trung đối với các công dân trở về từ các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan... trong đó, chủ yếu là công dân trở về từ Lào. Quá trình cách ly, việc sàng lọc đã, đang và tiếp tục được thực hiện kịp thời nhằm phát hiện thêm người có nguy cơ cao. Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch, việc thiết lập thêm các khu cách ly tập trung được tỉnh chú trọng thực hiện. Ngoài các khu cách ly quân sự, Nghệ An đã hình thành các khu cách ly của tỉnh dọc tuyến đường 7 ở Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông, dự kiến có thể cách ly 800 người. Riêng ngành Y tế luôn sẵn sàng cho việc thực hiện phục vụ cách ly lên tới 10.000 người.
Cùng với sự vào cuộc rốt ráo của các ban, ngành, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với các cấp độ dịch cũng được các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tại huyện Diễn Châu, nhờ sự tích cực, chủ động trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, địa phương này đã kịp thời đón hơn 250 công dân Việt Nam trở về từ Lào và các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19. Trong thời gian cách ly, sẽ có lực lượng Quân đội, Công an túc trực thường xuyên tại khu cách ly, cùng lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ hỗ trợ khu vực bên ngoài để ứng cứu khi cần thiết. Còn tại huyện biên giới Quế Phong, xác định trên tuyến sông Chu chảy về từ Lào có tình trạng người dân qua lại biên giới nên Đồn Biên phòng và chính quyền xã Thông Thụ đã lập chốt canh gác 24/24 giờ, sử dụng xuồng máy tuần tra trên sông để kịp thời ngăn ngừa người dân đi qua biên giới và phát hiện người nhập cảnh trái phép.
Trước diễn biến khó lường của dịch, Nghệ An đã chủ động kịch bản, các phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất. Trong trường hợp xuất hiện ca nhiễm, giải pháp đưa ra là tập trung điều trị bệnh nhân, điều tra cách ly những người tiếp xúc gần với người bệnh. Hiện, tại mỗi bệnh viện đều đã hình thành các khu điều trị, tối thiểu 10 giường; riêng 8 bệnh viện “hạt nhân” chống dịch, mỗi bệnh viện trang bị 20 giường phục vụ sẵn sàng công tác điều trị. Ở tất cả các đơn vị y tế đều đã thành lập các đội phản ứng nhanh, sẵn sàng đưa các trường hợp tại khu cách ly tập trung mắc bệnh vào điều trị. Trong thời gian qua, Sở Du lịch cũng đã chủ động làm việc với các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn để sẵn sàng cho công tác cách ly.
Hiện nay, tất cả các trường hợp cách ly tập trung từ các nước, địa phương vùng dịch đều đã được lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm và đều có kết quả âm tính với COVID-19. Thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, xét nghiệm, phát hiện các ca bệnh một cách sớm nhất nếu có. Trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị cần thiết phải hình thành các điểm cách ly tuyến tỉnh tại các huyện. Theo đó, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các huyện để hình thành ít nhất một điểm cách ly/huyện có 100 - 200 người; các huyện phải xem đây là mệnh lệnh để quyết liệt chỉ đạo tập trung thực hiện. Trên cơ sở nhận định về diễn biến phức tạp của dịch, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh đề nghị các huyện chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát nắm tình hình công dân làm ăn, sinh sống từ nước ngoài trở về, nhất là đối với các trường hợp trở về bằng đường mòn, lối mở, không khai báo ở cửa khẩu. Nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch, đồng thời căn cứ Thông báo số 122 ngày 24/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID -19, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã cho tạm dừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn.
Cụ thể là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, hoạt động thể dục thể thao tập trung đông người, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, xông hơi, massage, các điểm cung cấp trò chơi điện tử, truy cập Internet công cộng... Thời gian thực hiện từ ngày 27/3/2020 cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại. Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tạm dừng các hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng... trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ ngày 27/3/2020 cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại. UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra vi phạm tại địa phương mình.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc rốt ráo của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để ứng phó hiệu quả với mọi tình huống dịch, Nghệ An sẽ không để dịch COVID-19 xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.
Thùy Dương