Kinh tế xã hội

Giảm giá điện – Vì sao chưa thực hiện?

09:45, 31/03/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Giá xăng giảm sâu, dân chỉ hơi mừng vì mấy ai đi lại mà cần mua xăng. Đa số người dân mong mỏi lúc này là giảm giá điện.

Những ngày “tự cách ly” với xã hội, các khoản chi phí điện nước trong các gia đình đều tăng. Một trong những việc được nhiều người quan tâm như chống dịch covid-19 lúc này là “giá điện có được giảm không?”. Tiền lương đã giảm thê thảm lắm rồi, nhiều người đã phải dùng đến trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Trong quý I năm 2020, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN) ước thực hiện là 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019 (346.582 người) với số tiền được chi trả ước thực hiện là 2.119 tỷ đồng (nguồn số liệu: Hệ thống Tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH - DWH).

giam gia dien - can cau tra loi dut khoat tu evn trong mua dich covid 19 hinh 1
Khi hầu hết các gia đình phải ở trong nhà để phòng, chống dịch Covid-19 thì tiền điện chắc chắn sẽ tăng mạnh!

Từ sau tết nguyên đán đến nay, gần như gia đình nào cũng có người ở nhà, điều này đồng nghĩa với việc họ thường xuyên phải tiêu hao điện – nước… Nếu tình hình dịch kéo dài thì các loại hóa đơn sinh hoạt điện, nước… là một vấn đề đáng lo.

Nhìn thị trường dịch chuyển với những gói, chương trình kích cầu, hỗ trợ người dân mà không thấy ngành điện có động thái gì, nhiều người đâm lo. Thực ra, không ai có thể “bắt” hay “ép” ngành điện phải giảm giá bán điện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn mặt bằng chung về tình hình sản xuất, kinh doanh ở tất cả các thành phần kinh tế thời gian qua có thể thấy chưa bao giờ các cá nhân, tổ chức lại gặp khó khăn như bây giờ. Nhiều nơi, chủ nhà trọ giảm giá cho người thuê; chủ cửa hàng hỗ trợ tiền nhà cho khách kinh doanh… để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vì thế, câu chuyện đặt ra ở đây là sự san sẻ gánh nặng trong lúc khó khăn với các khách hàng của ngành điện trong đại dịch Covid-19. Bởi nếu giá điện có không giảm thì người dân vẫn phải mua điện để dùng vì họ không có lựa chọn nào khác.

Nhiều người chua chát nói rằng, lúc bị cấm đi lại thì giá xăng giảm, còn ở nhà nhiều thì tiền điện lại chẳng giảm cho. Rồi có người tặc lưỡi bảo “giá điện chỉ có tăng chứ làm gì có chuyện giảm bao giờ”? Trong khi các ngành, lĩnh vực khác, theo qui luật thị trường đã có tăng, có giảm, dễ nhìn thấy nhất là thị trường viễn thông và xăng dầu.

Đến giờ này, nhiều gia đình, cơ quan đã “ngấm” những tác động do dịch Covid-19 gây ra, nhưng có lẽ vẫn chưa đến đỉnh điểm. Điện, nước, xăng dầu, lương thực, thực phẩm là những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thể hiện trách nhiệm, sự san sẻ của mình bằng cách giữ nguyên không tăng giá hoặc giảm giá một số mặt hàng để không gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân.

Giá thịt lợn, sau bao ngày neo giữ ở mức cao kỷ lục, hôm qua cũng đã có xu hướng giảm với sự cam kết của hàng loạt các ông lớn trên thị trường.

Cũng chiều qua, Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành nghị quyết về một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19 theo yêu cầu của chỉ thị 11 của Thủ tướng. Việc miễn, giảm giá điện sẽ áp dụng cho một số đối tượng khách hàng trong giai đoạn dịch COVID-19. Trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm, các bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân COVID-19. Vậy còn hàng loạt những đối tượng yếu thế khác thì sao?

EVN là doanh nghiệp của Nhà nước, mọi đầu tư, phát triển đều từ nguồn vốn đóng góp từ thuế của dân, thì trong lúc khó khăn như hiện nay không có lý do gì để không chìa một bàn tay chung tay với cộng đồng vượt khó./.

Nguồn: An Nhi/VOV.VN

Các tin khác