Kinh tế xã hội
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công việc để phòng, chống dịch Covid-19
09:45, 08/04/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Việc hạn chế tiếp xúc đông người chính là giải pháp cơ bản nhất để ngăn ngừa sự lây lan dịch trong cộng đồng. Hiện, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Việc ứng dụng CNTT vừa nâng cao hiệu quả công việc, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân trong giai đoạn hiện nay |
Trong thời gian qua, hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bước chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động. Bước đầu thúc đẩy công tác cải cách hành chính và đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng.
Hạ tầng mạng LAN, WAN và Internet trong các cơ quan Nhà nước đầu tư tương đối đầy đủ với 21/21 sở, ban, ngành, 21/21 huyện có kết nối mạng LAN, WAN. 47/47 cơ quan Nhà nước cấp tỉnh có kết nối internet, đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu, kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa liên thông tỉnh Nghệ An, địa chỉ http://dichvucong.nghean.gov.vn (hoạt động từ ngày 10/1/2017), hiện có 20 sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị tham gia. Triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản trên phần mềm VNPT - Ioffice cho 20/20 đơn vị cấp sở, 21/21 UBND cấp huyện, 480/480 UBND cấp xã.
Kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Hiện toàn tỉnh có 20 sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị, các chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, các Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Bệnh viện Sản - Nhi đã được cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Việc tích hợp chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp đã được VNPT hoàn thiện để có thể ký số trực tiếp trên phần mềm VNPT-Ioffice hoặc trên thiết bị di động (hiện có 23 cá nhân đã ký số trên thiết bị di động). Toàn tỉnh hiện có trên 2.900 chứng thư số tập thể, cá nhân được cấp đưa vào sử dụng. Qua thực tiễn có thể thấy, Nghệ An đã đạt được một số thành quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước như về hạ tầng, nhân lực, tổ chức bộ máy quản lý, triển khai, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp và tại “Bộ phận một cửa”.
Trong điều kiện hiện nay, làm việc qua mạng internet vừa để đảm bảo yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, vừa để đổi mới cách làm việc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ngành đã đẩy mạnh tổ chức hội nghị trực tuyến để giải quyết công việc, kể cả giữa các sở, ngành với địa phương, giữa cấp huyện với cấp xã. Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, cách thức sử dụng để thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân truy cập nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch như: Thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp...
Thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; bảo đảm hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền trước ngày 30/6/2020 và chỉ tiêu xử lý hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng (80% đối với cấp bộ; 60% đối với cấp tỉnh và 30% đối với cấp huyện).
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, UBND tỉnh Nghệ An cũng vừa ban hành Văn bản số 1875/UBND-NN yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nghệ An; UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành và tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai. Tại văn bản, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Công văn số 1598 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thực hiện. Trước đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, tăng cường ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai để góp phần phòng, chống dịch, làm tốt công tác cách ly, không để dịch lây lan.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Viễn thông Nghệ An đảm bảo các hạ tầng kỹ thuật, phần mềm để hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh phục vụ các cơ quan, đơn vị thực hiện các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến để giảm thiểu đi lại, giao tiếp với các cơ quan, đơn vị. UBND tỉnh giao Cổng Thông tin điện tử tỉnh hỗ trợ các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Để ứng dụng CNTT trong công việc được hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành trong tỉnh. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng hiểu rõ những lợi ích mà CNTT mang lại.
TUỆ TRANG