(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh hiện nay, cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội vì khó đánh giá được điểm dừng của dịch COVID-19. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các sở, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp và người dân là vừa tập trung phòng, chống dịch, đẩy mạnh sản xuất; vừa làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội. Việc làm này đang được Nghệ An thực hiện hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, qua khảo sát của Sở Công thương tại các kho chứa hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP Vinh phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, lượng hàng hóa hiện đang dồi dào, phục vụ đủ nhu cầu thị trường và không có chuyện khan hiếm. Ngoài ra, các thực phẩm, nhu yếu phẩm khác như trứng, sữa, mì tôm, dầu ăn... cũng đã và đang được tích trữ đầy đủ tại các kho.
Hệ thống phân phối hàng hóa duy trì hoạt động, đảm bảo đủ hàng hóa, thực phẩm phục vụ người dân phòng, chống dịch COVID-19 |
Nhằm đảm bảo chất lượng các mặt hàng, công tác bảo quản được các đơn vị tiến hành nghiêm túc, hiệu quả. Để đảm bảo nhu cầu thiết yếu về lương thực thực phẩm, Sở Công thương đã chủ động xây dựng phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm đáp ứng yêu cầu theo từng cấp độ của dịch, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, có công văn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, nhà phân phối có kế hoạch ứng phó với diễn biến thị trường; phối hợp với doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
Về phía các nhà phân phối, thực hiện việc tăng lượng dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, các kho hàng. Theo đó, hệ thống phân phối hàng hóa vẫn luôn hoạt động, đảm bảo đủ hàng hóa, thực phẩm phục vụ người dân. Được biết, theo yêu cầu của Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Nghệ An sẽ mở các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến...) để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn đóng cửa vì các lý do dịch bệnh hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm.
Liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi cho người có bảo hiểm y tế (BHYT) khi cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) bị cách ly hoặc thay đổi nhiệm vụ điều trị COVID-19, theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế kịp thời hướng dẫn việc tổ chức KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT khi có cơ sở KCB BHYT trên địa bàn bị cách ly y tế hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc, cấp cứu, cách ly, điều trị các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus SARS-COV-2. Trường hợp các cơ sở KCB nói trên là bệnh viện tuyến Trung ương hoặc tuyến tỉnh, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở đó được lựa chọn KCB tại các cơ sở KCB tuyến tương đương hoặc cơ sở KCB tuyến thấp hơn tuyến đăng ký KCB ban đầu trên cùng địa bàn tỉnh và được quỹ BHYT thanh toán chi phí như KCB đúng tuyến.
Đối với người bệnh BHYT đang trong thời gian cách ly tại các cơ sở y tế nói trên mà mắc các bệnh khác phải khám và điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế do cơ sở KCB bị cách ly y tế, sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo hướng dẫn tại Công văn số 505 ngày 6/2/2020 kể từ ngày cơ sở KCB có quyết định của cấp có thẩm quyền về việc cách ly y tế hoặc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc, cấp cứu, cách ly, điều trị các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus SARS-COV-2.
Cùng với việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm, KCB, các cấp, ngành, địa phương cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 37 của Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính triển khai tính toán chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch cho đối tượng đang cách ly tại các khu cách ly tập trung, lực lượng phục vụ theo quy định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, để các chế độ chính sách được triển khai kịp thời, thống nhất, mới đây, Sở Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương về quy trình lập, chấp hành, quyết toán và chế độ báo cáo về kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện nguồn kêu gọi, vận động ủng hộ và huy động hợp pháp khác sẽ hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhằm góp phần cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch, mới đây, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do COVID-19. Đơn cử như một ngân hàng thương mại cổ phần đã thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí. Dựa trên từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngân hàng đã đưa ra mức giảm cụ thể. Đơn cử như giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do tác động của COVID-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đối với trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo chủ trương của Chính phủ, ngân hàng sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các đối tượng này trong thời gian chưa hết dịch. Đối với nhu cầu vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sẽ có mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch của khách hàng.
Tin tưởng rằng, những giải pháp và động thái thiết thực nói trên sẽ phát huy hiệu quả tích cực nhằm góp phần chung tay thực hiện nhiệm vụ kép mà Thủ tướng Chính phủ giao: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
.