Thứ Bảy, 21/03/2020, 08:17 [GMT+7]

Nhiều bến cát 'không phép' ngang nhiên hoạt động

(Congannghean.vn)-Dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, song nhiều bến cát “không phép” trên địa bàn tỉnh vẫn ngang nhiên hoạt động trong một thời gian rất dài. Trong khi đó, chính quyền địa phương nơi có các bến bãi này lại tỏ ra thờ ơ, mặc nhiên cho hoạt động khai thác trái phép tồn tại như một việc đã rồi!

Bến cát Dũng Phương, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ hoạt động                                        lâu nay nhưng chưa được cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa
Bến cát Dũng Phương, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ hoạt động lâu nay nhưng chưa được cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa
Kể từ khi đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Nghệ An (thành lập cuối 2016) tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, đến nay việc quy hoạch các bến, bãi tập kết cát sạn trên địa bàn tỉnh đã được thiết lập. Theo đó, đối với những bến, bãi tập kết cát, sỏi hoạt động tự do trước đây nếu sau quy hoạch không còn phù hợp thì sẽ buộc phải dẹp bỏ. Việc cho thuê các bến, bãi tập kết cát, sỏi sẽ không còn thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, mà thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, ngoài ra còn phải được Sở GTVT Nghệ An cấp phép hoạt động “Bến thủy nội địa”. Quy định là vậy, song lâu nay bên cạnh các chủ bến, bãi tập kết cát, sỏi hoạt động theo đúng quy định của UBND tỉnh và chính quyền các địa phương thì vẫn còn nhiều chủ bến, bãi tập kết cát, sỏi hoạt động khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định. Điều này không những trái với quy định của UBND tỉnh mà còn xảy ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, gây bức xúc cho các chủ bến, bãi đã được “cấp phép”, hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, địa phương.
 
Theo phản ánh chúng tôi nhận được, tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương có bến cát Bảy Tuyết hoạt động đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Mỗi ngày, có hàng chục xe trọng tải lớn, nhỏ ra vào bến cát này “ăn hàng” mà không vấp phải sự ngăn cản hay xử lý nào của chính quyền địa phương. 
 
Tương tự, tại bến cát Dũng Phương (xóm Tân Thành, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ) cũng được người dân địa phương phản ánh, bến cát đã hoạt động lâu năm nhưng chưa được cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Tại thời điểm có mặt, phóng viên ghi nhận có 3 tàu chở cát đang bơm cát từ khoang tàu lên bãi tập kết. Trên bãi, có 2 xe cẩu làm nhiệm vụ múc cát đổ lên xe tải, mỗi khi có xe vào bến “ăn hàng” vận chuyển đi tiêu thụ. Trên đường vào bến cát, chúng tôi bắt gặp 2 xe tải chở đầy cát vừa ra khỏi bến...
 
Sau khi ghi nhận sự việc người dân phản ánh, chúng tôi trao đổi qua điện thoại với ông Võ Song Quyền, Chủ tịch UBND xã Tân Long. Theo đó, ông Quyền khẳng định, bến cát Dũng Phương đã có đầy đủ thủ tục, giấy phép và đã hoạt động từ lâu. Về phía chủ bến cát Dũng Phương cũng khẳng định có đầy đủ thủ tục cấp phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Kỳ khẳng định, doanh nghiệp Dũng Phương tại xã Tân Long đã được cấp phép mỏ cát nhưng bến cát chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Không riêng gì hai bến cát nói trên, hoạt động “không phép” của các bến tập kết cát, sỏi còn diễn ra ở nhiều địa phương khác như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn... Nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng, dù đã tiến hành làm các thủ tục hồ sơ nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc cấp phép.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh diễn ra từ rất lâu, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần nguyên liệu phục vụ công trình xây dựng. Hiện nay, UBND tỉnh đã có quy hoạch cụ thể bến tập kết cát, sỏi cho từng địa phương. Do đó, đối với những bến, bãi không nằm trong quy hoạch cần phải kiên quyết dẹp bỏ. Trách nhiệm chính trong việc này là chính quyền các địa phương, cùng với đó là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn.
.

Đ. Thắng

.