Thứ Sáu, 20/03/2020, 11:08 [GMT+7]

Càng khó khăn, càng phải đoàn kết để chống dịch

(Congannghean.vn)-Lịch sử dân tộc ta từ hàng nghìn năm nay đã chứng minh, trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn nhất, gian truân nhất, người dân Việt Nam đều sẽ đoàn kết một lòng, chung tay để bảo vệ đất nước. Đại dịch COVID-19 là một thử thách lớn, đòi hỏi mỗi người dân phải nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua.
Nhiều chương trình hỗ trợ nông dân chịu ảnh hưởng dịch         Covid-19 đang được các tổ chức, doanh nghiệp triển khai rộng rãi
Nhiều chương trình hỗ trợ nông dân chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 đang được các tổ chức, doanh nghiệp triển khai rộng rãi
Sau khi đi xuất khẩu lao động tại Anh về, chị  Nguyễn Thị Thu trú tại phường Trường Thi, TP Vinh tích cóp vốn liếng để mở tiệm làm đẹp. Nhờ tận tình, chu đáo nên nhiều năm nay, cơ sở của chị đều kinh doanh ổn định, luôn có từ 2 - 3 nhân viên làm việc. Thế nhưng, từ đầu năm nay, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, mọi việc thay đổi hoàn toàn. Vì nhu cầu làm đẹp ít hẳn nên nguồn thu của gia đình cũng giảm hẳn. Biết là khó khăn chung nhưng chị tìm cách sắp xếp lại. Và thay vì cho nhân viên nghỉ để giảm gánh nặng, chị giảm một phần lương hàng tháng. “Mình không thể cho các bạn nghỉ được vì mình khó khăn một, nhân viên khó khăn 2,3. Giờ chỉ chung tay để vượt qua đại dịch”. Chị Thu cũng thường xuyên nhắc nhở nhân viên về việc tiếp cận thông tin chính thống, tránh sa vào mạng xã hội để nhiễm tư tưởng xấu, giảm gáng nặng cho các cơ quan chức năng trong nỗ lực phòng, chống dịch.
 
Có thể thấy, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, cuộc sống, tình hình sản xuất đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Tổ chức Y tế thế giới công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu; Hoa Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Công tác phòng, chống dịch tại nước ta đã bước vào giai đoạn mới.  Những số liệu về ca nhiễm mới thường xuyên được Bộ Y tế và các cơ quan báo chí cập nhật thường xuyên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở đối với các ngành, các cấp về quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”. Đồng thời, đòi hỏi các cấp, ngành đều phải ý thức được đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phòng, chống dịch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phải nỗ lực hơn nữa, càng khó khăn càng phải quyết tâm, cố gắng. 
 
Trước diễn biến mới, phức tạp của dịch COVID-19, việc hạn chế nguồn lây nhiễm từ bên ngoài đang là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Theo đó, UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp: Hạn chế người nhập cảnh từ các nước có dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay từ các vùng có dịch đến Việt Nam để giảm tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài; thực hiện chặt chẽ thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt kiểm tra chi tiết, nghiêm túc tờ khai y tế; nêu khuyến cáo, yêu cầu hành khách khai báo y tế điện tử trước khi đến Việt Nam. Hạn chế các chuyến bay Việt Nam, đặc biệt của hãng hàng không quốc gia Việt Nam bay đến các vùng có dịch. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, phát hiện nhanh các nguồn lây, nguy cơ lây bệnh, trước hết là đối với các trường hợp nhập cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin để truy tìm các trường hợp có nguy cơ lây bệnh trong số người đã nhập cảnh; thực hiện khoanh vùng nhanh, kiên quyết cách ly các địa bàn có dịch. Từ ngày 16/3/2020, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...).
 
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Ở nước ta, kể từ khi ca nhiễm thứ 17 xuất hiện, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch, kết thúc chuỗi liên tục 22 ngày không có ca bệnh mới phát sinh. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên thế giới, chúng ta đã có ca nhiễm thứ 76, đã chữa khỏi 16 ca, chưa có bệnh nhân nào tử vong. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia, các cấp, ngành, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự chung tay, góp sức của người dân.
 
MTTQ Việt Nam, nhiều cấp, ngành đã có những hoạt động ý nghĩa trong phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều nhà hảo tâm, văn nghệ sĩ chủ động đứng ra quyên góp, chia sẻ với cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp quan tâm, chăm lo chu đáo vì sự an toàn của người lao động… Những việc làm trên không phân biệt tuổi tác, công việc, địa vị mà đều xuất phát từ trái tim. Qua những câu chuyện đó, thêm khẳng định những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam. Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công, giao dịch điện tử. Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập, xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định.
 
Trong thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì thế, trách nhiệm, ý thức xã hội của mỗi người dân, doanh nghiệp càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi phòng dịch không chỉ vì chúng ta, vì người thân mà còn bởi giống nòi, vì bản sắc dân tộc Việt Nam. Mỗi người một hành động, từ những việc làm nhỏ nhất để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Từ việc khai báo trung thực, hạn chế tiếp xúc đông người, đến đeo khẩu trang y tế nơi công cộng. Bài học từ nhiều quốc gia trên thế giới từ thời điểm xảy ra dịch COVID-19 cho thấy, mỗi người dân cần phải đề cao trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng. Nếu không, mọi nỗ lực không biết mệt mỏi của hàng nghìn y, bác sĩ tuyến đầu, sự cố gắng của Chính phủ, của quân đội, các bộ, ngành, địa phương đều có thể đổ xuống sông xuống biển. Những việc làm cụ thể nhưng hữu ích đó cũng là biểu hiện chân thực và cụ thể nhất của lòng yêu nước.
.

TUỆ TRANG

.