Kinh tế xã hội
Hạn nứt đất, nước mặn như muối, khắp miền Tây 'ngồi trên đống lửa'
Kênh rạch cạn trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, vườn trái cây thiếu nước ngọt... khiến nông dân miền Tây như "ngồi trên đống lửa" khi nguy cơ mất mùa tăng cao.
Nhiều kênh, rạch ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) khô trơ đáy, chỉ còn bùn |
“Lúa đang làm đòng, sắp trổ bông mà không có nước. Thấy dưới đáy kênh còn ít nước đọng, tôi bơm lên xem như cứu được lúc nào hay lúc đó. Trời không mưa, kênh trơ đáy kiểu này thì nguy cơ mất trắng vụ lúa này”, ông Đở buồn xo.
Theo ông, những năm trước, vụ đông xuân này làm 2 công lúa sau khi trừ hết chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, ông cũng còn lãi vài triệu.
Ông Đở cố bơm vét số nước còn sót lại dưới kênh Tham Thu lên cứu 2 công lúa |
“Hặn, mặn năm nay đến sớm hơn 1 tháng. Hồi năm 2016, hạn mặn vào thì lúa đã chín, còn năm nay lúa mới làm đồng, trổ bông đã bị thiếu nước. Làm lúa, nông dân chỉ chờ vụ đông xuân, mà kiểu này thì thua rồi”, ông Đở mếu máo nói.
Dọc theo đường ở các xã Đồng Thạnh, Đồng Sơn, Bình Phú, Thạnh Trị, Bình Nhì của huyện Gò Công Tây, nước trên các kênh đã khô cạn, nứt nẻ. Ruộng lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nhưng có nguy cơ chết khô vì thiếu nước.
"Kênh nội đồng xung quanh cạn hết nước, mặt ruộng bắt đầu nứt toác ra thì lúa nào sống nổi”, ông Nguyễn Thành Được (52 tuổi), đứng tại cống kênh N7 (huyện Gò Công Tây) than.
Ông Nguyễn Thành Được: Vụ lúa này chỉ cần lấy vốn lại đã mừng |
Ông Được cho biết, mấy hôm trước, chính quyền đầu tư những trạm bơm dã chiến để bơm chuyền nước lên các kênh nội đồng cứu lúa cho bà con.
“Chính quyền đặt máy bơm dưới kênh Tham Thu để bơm nước lên cứu cánh đồng lúa Đồng Thạnh, Đồng Sơn. Dù bơm hết công suất nhưng tạm thời chỉ cứu những ruộng đầu nguồn, còn những cánh đồng xa thì vẫn thiếu nước”, anh nói và cho biết, việc bơm chỉ diễn ra trong ít ngày vì nước dưới kênh đã khô cạn.
Những trạm bơm đã ngưng hoạt động do nước dưới kênh không còn |
“Thời gian nghỉ nhiều hơn bơm. Nước dưới kênh giờ khô cạn, 5 công lúa của tôi giờ chỉ trông chờ vào mưa thôi. Hôm rồi, nghe đâu mưa lớn ở Cái Bè, Cai Lậy, nhưng ở đây thì nắng như thiêu đốt”, anh Được thở dài nói và hi vọng, vụ lúa này chỉ cần lấy vốn lại đã mừng.
Anh Phan Hồng Tín góp chuyện: "Tiền vốn đầu tư từ đầu vụ tới giờ hơn chục triệu rồi. Thấy lúa đang sắp trổ nên cố gắng canh nước để bơm, hi vọng có lúa để ăn. Chỉ cần có nước bơm một hai đợt nữa là yên tâm. Nhưng giờ nước dưới kênh cạn kiệt thế này thì rất khó cứu được”.
Anh Tín buồn rầu, nếu tình trạng thiếu nước kéo dài, lúa chết thì chắc chắn nông dân sẽ không có tiền trả nợ cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Ai mà mướn đất để làm lúa gặp cảnh này thì 'gãy cổ', chỉ ôm nợ mà bỏ xứ đi Bình Dương”, anh Tín bày tỏ.
Anh Phan Hồng Tín nói, tình trạng hạn mặn năm nay ác liệt hơn năm 2016 do đến sớm hơn 1 tháng |
Những dòng kênh, mương khô cạn |
Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng lúa trên cánh đồng ở xã Đồng Thạnh, ông Dương Văn Cái (59 tuổi) chua chát nói: “4 công lúa đó chú. Lúa trổ lẹt xẹt, mà thiếu nước thế này thì làm sao vô gạo được. Làm lúa mấy chục năm nhưng lần đầu tôi mới thấy hạn, mặn ác liệt như năm nay.
Năm 2016, nói hạn mặn lịch sử nhưng hồi đó lúa có thể gặt được, chứ không phải đến nỗi như này. Giờ chỉ còn cầu trời mưa 1 vài đám mới cứu được thôi”.
Đồng lúa thì bắt đầu nứt nẻ |
Bỏ tiền triệu mua nước ngọt tưới cây
Không chỉ lúa, nhiều vườn cây ăn trái ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… cũng đang gồng mình trong cơn khát hạn, mặn 2020 này.
Các nhà vườn những ngày này đang thuê sà lan chở nước ngọt về cứu cây. Tất cả những người chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, đây là đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất mà họ từng thấy.
Ông Võ Văn Hiệp, ở xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy cho biết, ông có 9 công sầu riêng đang cho trái nhưng do nước sông đã nhiễm mặn nên không thể bơm lên tưới.
“Tôi mua bạt trải dưới mương rồi thuê sà lan chở khoảng 80m3 nước ngọt để tưới cho vườn sầu riêng. Mỗi m3 nước có giá 60.000 đồng”, ông Hiệp nói.
Người dân phải đầu tư làm ao để trữ nước dùng tưới cây và sinh hoạt |
Ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) người dân ươm cây giống cũng đang “ngồi trên đống lửa”.
“Nước giờ quý hơn vàng”, là câu nói cửa miệng của người dân mỗi khi có ai nhắc về hạn, mặn.
Cũng giống ở Tiền Giang, để có nước ngọt, người dân phải bỏ ra tiền triệu mua. Những ghe, sà lan trước đây chở cát, giờ chuyển sang chở nước ngọt.
Ông Đặng Văn Oanh (50 tuổi), có hơn chục năm làm nghề trồng cây giống buồn rầu nói: "Đó giờ ở xứ Chợ Lách này nước ngọt có quanh năm. Người trồng cây ăn trái, hoa kiểng... đều không lo chuyện thiếu nước để tưới. Vậy mà năm nay hạn mặn khủng khiếp, nước ngọt khan hiếm".
Ông Oanh phải thuê sà lan đi lấy nước ngọt về tưới cây giống |
Ông Oanh có hơn 20.000 cây giống cho biết, nước dưới sông giờ mặn như muối, bơm lên tưới cây là chết hết.
Do vậy, ông phải thuê sà lan đi lấy nước ngọt từ vùng khác, rồi vận chuyển về để trữ tưới tiêu, sinh hoạt. Để có chỗ trữ nước, ông thuê người đào ao rồi mua tấm bạt chải phía dưới để trữ nước, tất cả chi phí khoảng 3 triệu đồng.
Song, đắt nhất là chi phí vận chuyển nước. Mỗi m3 nước ngọt được đưa về tới tận ao có giá từ 60 - 100 ngàn đồng.
“Ước tính qua đợt hạn mặn này, tôi sẽ mất hơn 200 triệu tiền mua nước ngọt. Mình phải chấp nhận thôi. Giá trị vườn cây giống hơn 2 tỷ, nên thà hi sinh cái nhỏ để cứu cái lớn hơn”, ông Oanh nói.
“Tôi thuê sà lan đi theo dòng chảy của nước ngọt. Nó tới đâu, mình đi theo lấy tới đó. Cứ đo độ mặn, nếu nước đủ tiêu chuẩn sẽ lấy đầy khoang rồi chở về. Chỗ lấy nước gần nhất cũng cách nhà 8km. Có khi phải đi đến khu vực cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) cách đến 50km thì mới có nước ngọt”, ông Oanh nói thêm.
Nước ngọt giờ "quý như vàng" đối với người dân vùng hạn mặn |
Tương tự, ông Trịnh Văn Hoàng than: “Bây giờ mượn tiền thì bà con, hàng xóm cho mượn; còn mượn 1 khối nước ngọt thì không ai cho đâu. Lý do nước ngọt giờ đi xa dữ lắm mới lấy được. Nước ngọt giờ quý như vàng vậy đó".
Nguồn: Vietnamnet