Kinh tế xã hội

Vaccine phòng COVID-19 thử nghiệm đạt thành công bước đầu

08:04, 25/02/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cho biết họ đã đạt được thành công bước đầu trong quá trình thử nghiệm vaccine phòng COVID-19.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họaCụ thể, các nhà khoa học nước này cho biết trong quá trình tiêm thử nghiệm kháng nguyên virus COVID-19, cơ thể chuột đã đáp ứng miễn dịch tốt, sinh ra kháng thể. Các nhà nghiên cứu đã sàng lọc virus COVID-19 qua 4 thế hệ. Vaccine được tái tổ hợp trên vật dẫn, bắt đầu tiến hành từ việc nuôi cấy virus, hiện đang thử nghiệm trên động vật.
 
Theo các chuyên gia, thông thường trong vaccine sẽ chứa hàm lượng nhất định kháng nguyên gây bệnh, khi tiêm vào động vật, nếu đáp ứng miễn dịch tốt sẽ sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó để bảo vệ cơ thể. Kết quả này hứa hẹn cho một vaccine tốt. 
 
Trong lúc đó, nhóm nghiên cứu vaccine của trường Đại học Queensland (Australia) cho biết lượng vaccine thử nghiệm đã được chế tạo thành công và sẽ cho ứng dụng thí điểm trên động vật trong tuần này.
 
Theo Tiến sĩ Paul Young, Hiệu trưởng Trường Khoa học Hóa học và Sinh học phân tử thuộc Đại học Queensland, nhóm nghiên cứu gồm khoảng 20 người đã làm việc tích cực từ khi dịch COVID-19 bùng phát để có thể sớm phát triển vaccine.
 
Sau khi hoàn thành các thử nghiệm trên động vật, nhóm nghiên cứu sẽ gửi vaccine đến các phòng thí nghiệm của Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) để thực hiện thêm các thí nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn khi thử nghiệm trên cơ thể người.
 
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Queensland đã phải phát triển 100 loại protein khác nhau để sàng lọc ra loại có tác dụng hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa virus COVID-19. Nếu các thí nghiệm lâm sàng trên động vật cho kết quả khả quan, loại vaccine này được kỳ vọng sẽ có thể sử dụng cho cơ thể người từ khoảng giữa năm nay.
 
Trong một diễn biến liên quan khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra hướng dẫn kỹ thuật. Theo đó, tên chính thức của virus gây bệnh là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus Corona 2 (SARS-CoV-2), còn tên dịch bệnh là COVID-19.
 
Theo WHO, tên chính thức của chủng mới virus do Ủy ban Quốc tế về phân loại virus (ICTV) đặt tên, căn cứ cấu trúc gene của loại virus này, qua đó tạo điều kiện phát triển các xét nghiệm chẩn đoán, thuốc và các loại vaccine phòng chống. Lý giải về quyết định đặt tên này, ICTV cho biết virus nCoV có sự tương đồng về gene với virus Corona gây dịch SARS năm 2003. WHO khẳng định dù có sự liên quan song 2 virus hoàn toàn khác nhau. 
 
Trước đó, WHO và ICTV đã thống nhất COVID-19 là tên của dịch viêm đường hô hấp cấp bùng phát tại Trung Quốc.
 
Trong khi đó, ngày 23/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo chính quyền đã nâng cảnh báo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên mức cao nhất (mức đỏ) trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng tại nước này.
 
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Hàn Quốc xác nhận thêm một ca tử vong mới do COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong tại nước này lên 6 người.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác