Kinh tế xã hội
Ngành vận tải 'điêu đứng' vì dịch COVID-19
09:04, 19/02/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona chủng mới (Covid-19) gây ra khiến nhiều ngành, nghề kinh doanh rơi vào cảnh khốn khó. Trong số đó, ngành kinh doanh vận tải hành khách cũng không ngoại lệ. Hành khách, doanh số sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp làm ăn cầm chừng, thậm chí chịu thua lỗ để duy trì hoạt động.
Hành khách sụt giảm
Nhà chờ bến xe Vinh vắng tanh so với thời gian trước đây |
“Bến xe Vinh ngày bình thường tiếp nhận từ 300 - 350 đầu xe với hàng nghìn lượt hành khách đi. Tuy nhiên, từ khi có dịch COVID-19, chỉ còn khoảng 150 đầu xe, hành khách giảm tới 70%. Việc giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng bến xe Vinh cho biết về thực trạng các nhà xe tại bến xe Vinh hiện nay.
Trong đó, giảm nhiều nhất là tuyến Vinh đi các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội… Bởi, việc tạm dừng thông thương qua cửa khẩu Trung Quốc nên số lượng khách đặt vé đi giảm tới 80%. Có những xe xuất bến chỉ có 3 - 5 hành khách đều chấp nhận chịu lỗ để vận chuyển. Còn với nhiều tuyến xe chạy phía Nam cũng không khả quan là bao, tuy không vắng khách như các tuyến phía Bắc nhưng doanh số cũng giảm từ 20 - 30% so với trước đây.
Không chỉ kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô mà ngành đường sắt cũng chung cảnh ngộ. Theo ước tính của ngành đường sắt, con số thiệt hại là rất lớn, bởi lượng khách đặt vé giảm từ 40 - 50%. Như tại ga Vinh, trước đây có gần 2.000 khách đi nhưng đến nay chỉ có khoảng 600 hành khách, giảm trên 60%. Uớc tính số tiền thiệt hại gần 3 tỉ đồng từ việc khách đặt sau đó hủy và trả vé vì sợ lây dịch.
Còn về phía Cảng quốc tế hàng không Vinh, thời điểm này, tại Cảng đang tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế. Tại cảng hiện đang có 5 hãng hàng không khai thác với tần suất 88 chuyến bay/ngày, vận chuyển khoảng 10 nghìn lượt hành khách. Tính đến thời điểm này, lượng khách giảm 10% so với chu kỳ, bởi người dân ít đi lại cũng như tâm lý lo lắng trước dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2019, lượng khách trên các đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt khoảng hơn 7,5 triệu khách, trong đó hơn 4,6 triệu là do các hãng hàng không trong nước vận chuyển. Sau khi có thông tin về dịch bệnh, từ ngày 23/1/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố huỷ toàn bộ phép bay, khai thác từ Việt Nam đi/đến Vũ Hán và đến ngày 1/2/2020 thì huỷ toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thống kê sơ bộ cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay do ảnh hưởng của dịch của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỉ đồng.
Riêng nhiều hãng taxi, xe buýt, xe hợp đồng trước sự tác động của dịch COVID-19 cũng rơi vào cảnh “điêu đứng” vì giảm doanh thu. Việc xe nằm bến, ngừng hoạt động trên các tuyến cố định cũng thường xuyên xảy ra. Điều này không những gây thất thu cho doanh nghiệp mà còn đẩy nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, bởi lý do rất đơn giản là công ty không đủ lương để trả vì doanh thu giảm. Như hãng taxi Mai Linh Nghệ An là một ví dụ. Việc giảm tới 40% lượng khách đồng nghĩa doanh thu giảm, kéo theo lương cho lái xe cũng giảm. Nhiều lái xe chạy không có khách dẫn đến chán nên xin nghỉ hoặc tìm công việc tạm thời đợi hết dịch sẽ đi làm.
"Nhiều hãng taxi cũng chịu ảnh hưởng lớn trước dịch Covid -19" Ông Nguyễn Cảnh Thắng – Trưởng Phòng phát triển kinh doanh – Công ty TNHH (Taxi) Mai Linh Nghệ An chia sẻ với phóng viên |
Cần hỗ trợ để duy trì hoạt động
Nghệ An là tỉnh có hệ thống vận tải phát triển nhanh trong thời gian qua gồm: Hàng không, đường bộ, đường sắt... Đây là những ngành, nghề đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Chính vì vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến ngành Vận tải “đứng ngồi không yên”. Đặc biệt là nguy cơ phá sản của nhiều doanh nghiệp, nhà xe khi hàng ngày phải “cõng” trên lưng tiền lãi ngân hàng. Để tạo điều kiện cho ngành kinh doanh vận tải hành khách vượt qua thời điểm khó khăn của dịch bệnh như hiện nay rất cần một cơ chế hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nghệ An cho biết: “Trước mắt về phía hiệp hội đã có văn bản kiến nghị lên các sở, ban, ngành cấp tỉnh có những chính sách hỗ trợ cũng như cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các công ty, doanh nghiệp vận tải. Cần giảm các chi phí đường bộ, phí bến để nhà xe duy trì vốn hoạt động trở lại sau khi hết dịch. Riêng với các ngân hàng cần cơ cấu lại nợ, dư nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay”.
Còn với người dân không nên quá hoang mang trước dịch bệnh mà cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch phát sinh, lây lan. Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải khách trên địa bàn tỉnh mong muốn người dân thường xuyên phối hợp tốt với các nhà xe trong công tác phòng, chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế.
Hưng Hồ