Thứ Bảy, 29/02/2020, 08:55 [GMT+7]
Điều trị thành công người nhiễm covid-19 tại việt nam

Vui mừng nhưng không được chủ quan

(Congannghean.vn)-Tính đến chiều 26/2, 16/16 bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước ta đều khỏi bệnh và đã được ra viện. Đó là niềm vui lớn, thể hiện sư quyết tâm và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, song người dân không được lơ là, cần luôn nêu cao ý thức phòng, chống bệnh tại gia đình và cộng đồng.
Công an Nghệ An chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: Tuệ Trang
Công an Nghệ An chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: Tuệ Trang
Những kết quả tích cực
 
Theo báo cáo của ngành Y tế, đến chiều ngày 27/2, thế giới có 82.497 trường hợp mắc COVID-19, với số ca tử vong lên đến 2.801  người. Dịch COVID-19 đã lây lan ra ít nhất 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới vẫn chưa sẵn sàng đối phó với dịch.
 
Tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13/2/2020. Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong. Việc áp dụng biện pháp khoanh vùng toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ghi nhận chùm ca bệnh gồm 6 người) là mô hình tốt, chuyển từ biện pháp cách ly trường hợp bệnh sang cách ly một cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của biện pháp này, tạo tâm lý cho người dân an tâm, tin tưởng vào biện pháp quyết liệt của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch. Không ghi nhận trường hợp mắc mới tại xã Sơn Lôi kể từ ngày 13/2/2020.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch đã được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, đạt được kết quả bước đầu quan trọng, toàn diện, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Cả nước mới chỉ có 16 người mắc bệnh và cả 16 người đã được điều trị hồi phục sức khỏe. Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch được thực hiện nghiêm. Hai trong số ba tỉnh được công bố có dịch (Thanh Hóa, Khánh Hòa) đã đủ các điều kiện công bố hết dịch. 
 
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 và Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Bộ Ngoại giao tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc về việc công dân Việt Nam từ các tỉnh, thành phố có dịch của Trung Quốc chỉ được nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
 
Đối với người nhập cảnh từ các vùng có dịch của Hàn Quốc và từ vùng có dịch của các lãnh thổ, các nước khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo ngay cho phía Hàn Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam áp dụng trong đó có việc tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến hoặc đi qua vùng có dịch, đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Thông báo cho công dân Việt Nam không đến các vùng có dịch ở các nước, trừ trường hợp cần thiết, nếu vẫn đi thì khi nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Đồng thời tuyên truyền, vận động người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc (đặc biệt là tại Daegu và Gyeongsangbuk) tuân thủ hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của nước sở tại, không đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước sở tại đã khuyến cáo.
Phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch COVID-19 tại đền Cờn, TX Hoàng Mai
Phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch COVID-19 tại đền Cờn, TX Hoàng Mai
Không được lơ là, mất tập trung
 
Hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường, nhất là trong mấy ngày qua tại Hàn Quốc, Nhật Bản, I-ta-li-a, Iran và một số quốc gia khác. Tại Nhật Bản, số người mắc là 877 người (riêng tàu Diamond Princess vẫn giữ nguyên số người mắc trong vài ngày qua: 691 người). Tại Hàn Quốc đã có 13 người tử vong vì dịch COVID-19, số người mắc là 1.595 người. Trong khi đó, Iran đã có 19 người chết và 139 trường hợp nhiễm bệnh trong nước. Thông tin mới nhất cho thấy, Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 giữa lúc dịch bùng phát mạnh ở nước này.
 
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng con em đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc đông đảo nhất với  trên 4.800 lao động. Tuy nhiên, đây chỉ là danh sách những lao động qua Hàn Quốc theo Chương trình EPS mà cơ quan chức năng quản lý được. Trên thực tế, có không ít lao động đi theo những con đường như du lịch, thương mại... Hiện, cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm bệnh ở Hàn Quốc là người Việt Nam. Mặc dù cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nhưng nếu nghi bị nhiễm COVID-19 thì người Việt Nam có thể đến các trung tâm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh để kiểm tra. Khi đến nơi này, người cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc không bị truy cứu trách nhiệm cũng như truy cứu về vấn đề bất hợp pháp. Bởi vấn đề được quan tâm hàng đầu là làm sao ngăn ngừa được dịch bệnh này lây lan trong cộng đồng.
 
UBND tỉnh Nghệ An cũng vừa ban hành Công văn 916/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế về thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với COVID-19 và Công văn hướng dẫn cách ly đối với người trở về từ Hàn Quốc; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ được giao tại Thông báo Kết luận số 70/TB-UBND ngày 10/2/2020 của UBND tỉnh. Các cơ quan, đơn vị xử lý các trường hợp đến từ/đi qua và công dân trở về từ Hàn Quốc và các nước có công bố là vùng dịch: Thực hiện khai báo y tế đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ/đi qua các nước thuộc vùng dịch, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đặc biệt quan tâm sâu sát những người đến từ/đi qua khu vực Deagu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) để tổ chức cách ly y tế tại khu cách ly của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện hoặc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi; thực hiện nghiêm quy trình lấy phiếu điều tra dịch tễ và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Những người đi về từ khu vực khác (không có dịch) của các nước có công bố là vùng dịch không có dấu hiệu sốt, ho, khó thở thì khuyến khích tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú (đối với các khu công nghiệp) hoặc cách ly tại nhà theo quy định và thông báo, sau đó đến ngay cơ sở y tế để tổ chức cách ly, điều trị nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.
 
UBND tỉnh Nghệ An cũng giao Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chủ động, kịp thời cập nhật, tiếp nhận, phân tích, nhận định tình hình dịch bệnh, dự báo, khoanh vùng dịch để tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch. Sở Y tế hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc triển khai các biện pháp giám sát, cách ly, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch; rà soát, kịp thời thông báo các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, đặc biệt các trường hợp đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 9/2/2020 để thực hiện giám sát, theo dõi y tế, triển khai ngay công tác cách ly khi có nghi ngờ nhiễm bệnh theo quy định và định kỳ (hoặc đột xuất) báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh.

Tại Hàn Quốc, Ban quản lý lao động Việt Nam cũng đã thiết lập đường dây nóng số 010-3248-6886 để lao động Việt Nam cần thông tin về dịch bệnh có thể gọi tới. Bên cạnh đó, công dân, người lao động Việt Nam cũng có thể gọi số 010-4356-2505 của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để được hỗ trợ.
.

TUỆ TRANG (tổng hợp)

.